Khoản chi khắc phục ô nhiễm chỉ như “muối bỏ bể”!

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 08/07/2014

(TN&MT) - Việc ngân sách chi cho Chương trình MTQG khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giảm nhiều đã gây ảnh hưởng đến không đáp ứng được mục tiêu đề...
(TN&MT) - Các chuyên gia môi trường đánh giá, ngân sách Trung ương bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015 giảm nhiều so với kinh phí ban đầu được phê duyệt, do vậy chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn dẫn đến một số mục tiêu của Chương trình được triển khai chậm, không đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
   
Mi đt 14,56% kinh phí phê duyt
   
  Tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày một nghiêm trọng, nhưng ngân sách chi cho Chương trình đến năm 2014 dành để xử lý ô nhiễm môi trường chỉ với 364 tỷ đồng. Số tiền này chẳng khác nào muối bỏ biển trong bối cảnh gia tăng ô nhiễm như hiện nay.
   
Việc huy động nguồn lực của các địa phương là cần thiết để BVMT
    
   
  Theo Quyết định 1206/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015 phê duyệt nguồn ngân sách Trung ương là 2.500 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn đầu tư phát triển là 1.000 tỷ đồng và nguồn vốn sự nghiệp môi trường là 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình MTQG khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, trong năm 2012, 2013 và năm 2014 ngân sách trung ương mới bố trí được tổng kinh phí là 364 tỷ đồng, chiếm 14,56% kinh phí đã được phê duyệt. Cùng với đó, theo thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2013 – 2015 là 400 tỷ đồng, giảm 600 tỷ đồng so với nguồn vốn được phê duyệt.
   
  Ngân sách giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai các dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các địa phương. Hiện nay, theo phân bổ ngân sách cho các dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tập trung vào 3 mục tiêu cơ bản là khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề, ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường các lưu vực sông.
   
  Trong đó, đối với các Dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng trong năm 2014, Chương trình đã cấp kinh phí 60 tỷ đồng cho 5 dự án của 4 tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Hải Phòng, Nam Định và Bến Tre. Các dự án làng nghề được hỗ trợ kinh phí từ Chương trình trong năm 2012, 2013 và năm 2014 hiện mới có 2 tiểu dự án của tỉnh Thừa Thiên - Huế cơ bản hoàn thành và 9/11 tiểu dự án đang triển khai và dự kiến hoàn thành trong năm 2015.
   
  Đối với các Dự án cải thiện và phục hồi môi trường tại một số khu vực bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trong năm 2014, Chương trình tiếp tục cấp 19 tỷ đồng cho 5 dự án của 3 tỉnh và 1 dự án của Bộ TN&MT gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình.
   
  Về dự án thu gom, xử lý nước thải từ các đô thị loại II trở lên thuộc 3 lưu vực sông trong năm 2014, Chương trình đã cấp kinh phí là 10 tỷ đồng cho Dự án thu gom và xử lý nước thải thành phố Thái Nguyên. Đến nay, dự án này đã triển khai hiệu quả, hoàn thành 74% khối lượng công việc và dự kiến hoàn thành trong năm 2015.
   
Đ xut điu chnh mc tiêu
   
  Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, phần lớn các dự án của Chương trình được triển khai trên địa bàn các tỉnh, thành phố có điều kiện KT - XH khó khăn nên việc huy động nguồn lực của các địa phương và từ các nguồn vốn hợp pháp khác rất hạn chế. Việc huy động từ cộng đồng chỉ mang tính chất cam kết, không có tính chất pháp lý đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc đảm bảo nguồn vốn thực hiện Chương trình.
   
  Mặt khác, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện dự án, một số địa phương đã sử dụng kinh phí hỗ trợ từ Trung ương sai mục đích, chưa bố trí quỹ đất để xây dựng các công trình xử lý hoặc di dời các công đoạn gây ô nhiễm và chưa chủ động tìm kiếm công nghệ xử lý hiệu quả để triển khai dự án.
   
  Để thực hiện có hiệu quả với nguồn kinh phí được phân bổ, hiện nay, Bộ TN&MT đang xây dựng đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ  cho phép Bộ được điều chỉnh lại mục tiêu cụ thể và phạm vi thực hiện của Chương trình. Mục tiêu cụ thể, tập trung khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đối với 11 làng nghề đang bị ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng; cải thiện và phục hồi môi trường đối với 25 khu vực ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu gây ra; 100% các dự án thu gom, xử lý nước thải từ các đô thị loại II trở lên, xả trực tiếp ra 3 lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu và hệ thống sông Đồng Nai đã xây dựng dự án đầu tư được triển khai.
   
  Cùng với đó, kế hoạch 6 tháng cuối năm 2014, Ban chỉ đạo Chương trình  MTQG khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tập trung tổ chức các đoàn kiểm tra và giám sát kết quả thực hiện các dự án thành phần tại 15 tỉnh, thành phố đã được hỗ trợ kinh phí năm 2012, 2013 và 2014 trong quý II và quý III năm 2014.
   
Phương Anh