Chống ô nhiễm nguồn nước: Tập trung xây dựng chính sách kiểm soát nguồn thải

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 10/06/2014

(TN&MT) - Để ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nguồn nước, trả lại “sự sống” cho môi trường trước thực trạng ô nhiễm
(TN&MT) - Để ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nguồn nước, trả lại “sự sống” cho môi trường trước thực trạng ô nhiễm, Liên minh nước sạch cùng với ban, ngành đã hoạt động tích cực trong việc vận động chính sách về ngăn ngừa và quản lý nguồn nước. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Liên minh nước sạch về vấn đề này.
   
   
Bà Nguyễn Ngọc Lý trong một buổi hội thảo về kiểm soát ô nhiễm nguồn nước
    
   
PV: Với tư cách là Giám đốc điều phối của Liên minh vận động chính sách ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nguồn nước, xin bà cho biết Liên minh nước sạch đã có những hoạt động cụ thể nào để ngăn ngừa và kiểm soát nguồn nước và  ý nghĩa của nó như thế nào, thưa bà?
   
  Bà Nguyễn Ngọc Lý: Trong thời gian qua Liên minh vận động chính sách ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nước tập trung vào nghiên cứu các vấn đề thực tiễn liên quan tới ô nhiễm nước và kiểm soát ô nhiễm nước, phân tích việc thực thi các Luật và  chính sách hiện nay nhằm xác định các nguyên nhân vì sao ô nhiễm nước vẫn tiếp tục gia tăng. Chúng tôi cũng nghiên cứu và giới thiệu một số Luật và chính sách về kiểm soát ô nhiễm nước của các nước trên thế giới và trong khu vực, dịch Luật Kiểm soát Ô nhiễm nước của Mỹ (gọi tắt là Luật Nước sạch) nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm. Ô nhiễm nước ảnh hưởng tới mọi khía cạnh của nền kinh tế (nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp...) và dân sinh (bệnh tật, sức khỏe, giải trí) vì vậy, chúng tôi đã tổ chức các thảo luận và tọa đàm khoa học với sự tham gia của các nhà kinh tế, luật học, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu y tế công cộng  để phân tích các vấn đề ô nhiễm nước tổng thể về mọi khía cạnh liên quan đến nước. Các kết quả nghiên cứu và thảo luận đóng góp thêm các minh chứng khoa học cho các nhà làm chính sách và luật tham khảo trong việc xây dựng chính sách mới.
   
  Một mảng khác quan trọng mà Liên minh tập trung vào là việc nâng cao nhận thức về việc kiểm soát ô nhiễm, chung tay gìn giữ nguồn nước, thúc đẩy sự tham gia của người dân, doanh nghiệp vào công tác thực hiện Luật hiệu quả. Các thành viên của Liên minh như Câu lạc bộ Hồ Hà Nội, Chi hội Nữ trí thức Bảo vệ môi trường và Biến đổi khí hậu, các Hội Phụ nữ ở các phường có hồ, các sinh viên các trường đại học, các doanh nghiệp như FPT, Standard and Charter Bank, New Quantum, các hãng Truyền hình, các nghệ sĩ đã tích cực tham gia các sự kiện làm sạch hồ trong ngày Trái đất ở Hà Nội và gửi thông điệp “Dừng ngay các hoạt động gây ô nhiễm nước” tới cộng đồng.
   
PV: Bà đánh giá như thế nào về chính sách kiểm soát ô nhiễm nước của Việt Nam hiện nay? Liệu có tồn tại những “rào cản” và đâu là nguyên nhân?
   
  Bà Nguyễn Ngọc Lý: Thông qua các nghiên cứu thực tiễn, chúng tôi thấy việc ô nhiễm các sông suối, các thủy vực nhỏ cũng như ô nhiễm từ nước thải đô thị rất nặng nề. Các ô nhiễm từ công nghiệp và đô thị đều xả vào nguồn nước thủy vực nhỏ trước khi chảy hòa nhập vào các dòng sông lớn. Ngoài ra ô nhiễm nước từ các hoạt động nông nghiệp, từ nước mưa cũng đóng góp lượng ô nhiễm lớn vào các thủy vực. Ô nhiễm nước trong thực tế gắn liền với quản lý rác thải mọi mặt. Nếu ngăn được rác thải và nước thải chưa qua xử lý (các nguồn ô nhiễm),  không cho phép chúng xả xuống các nguồn nước trực tiếp, các nguồn nước sẽ có khả năng khôi phục trở lại.
   
  Việc kiểm soát ô nhiễm nước là quá trình khó khăn, nên ưu tiên mọi nỗ lực để kiểm soát ô nhiễm nước từ công nghiệp và đô thị triệt để (thông qua hệ thống xử lý hữu hiệu và kiểm soát chặt chẽ giấy phép xả thải) và từng bước hạn chế ô nhiễm diện từ nông nghiệp và nước mưa. Việc kiểm soát ô nhiễm nước thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố.  Các yếu tố này phải được kết hợp chi tiết và được thực thi bởi các cán bộ cụ thể, có quyền quyết định trong giải quyết vấn đề. Việc thực thi Luật và chính sách, xét cho cùng, phải quy được trách nhiệm về một người cụ thể và người đó có đủ thẩm quyền để giải quyết vấn đề (ví dụ cán bộ chịu trách nhiệm trông coi những khúc sông cụ thể, khi phát hiện ô nhiễm, có đủ năng lực để xác định nguyên nhân và có quyền yêu cầu các bên gây ô nhiễm thực hiện việc sửa chữa, điều chỉnh ngay theo luật).
  Thêm nữa hiện nay rác thải và nước thải do các Bô, ngành khác nhau quản lý, chịu trách nhiệm. Việc phân tán trách nhiệm trong kiểm soát ô nhiễm nước sẽ tạo ra các lỗ hổng, rất khó để quy trách nhiệm.
   
PV: Nhìn từ góc độ một chuyên gia với nhiều kinh nghiệm trong quá trình vận động chính sách, bà sẽ đưa ra kiến nghị gì với các cơ quan chức năng trong việc  kiểm soát ngăn ngừa ô nhiễm nước, thưa bà?
   
  Bà Nguyễn Ngọc Lý: Về kiểm soát ô nhiễm nước ở  Việt Nam, bước đầu, Chính phủ  cần phải ra một Nghị định về kiểm soát ô nhiễm nước riêng, tập trung vào kiểm soát các ô nhiễm điểm đô thị và công nghiệp.  Trong nghị định cần kết hợp tối đa các yếu tố trên nhằm giải quyết một số khu vực ô nhiễm nước trầm trọng theo thứ tự ưu tiên thời gian, tránh hành chính hóa và áp dụng tiếp cận quản lý kết quả. Nên thử ở một vài tỉnh để rút kinh nghiệm và triển khai dần ra các tỉnh khác, cân nhắc và coi hiệu quả thực thi là tiêu chuẩn chính của Nghị định và chất lượng nước sạch là thước đo chính về hiệu quả của Nghị định.
   
  Công tác nghiên cứu thực tiễn và thúc đẩy hỗ trợ việc thực thi Luật và các văn bản dưới Luật cần được khuyến khích và thúc đẩy dưới nhiều hình thức để nâng cao nhận thức, năng lực và tìm kiếm các biện pháp sáng tạo giải quyết vấn đề triệt để và tận gốc. Sự tham gia của các doanh nghiệp, cộng đồng và truyền thông cũng là yếu tố mang tính quyết định trong công tác kiểm soát ô nhiễm nước.
   
PV: Trân trọng  cảm ơn bà!
   
Nguyễn Cường (thực hiện)