Đà Nẵng: Phát triển KCN sinh thái không còn là ý tưởng

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 30/05/2014

(TN&MT) - Song hành với phát triển công nghiệp truyền thống, suy thoái môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên là điều không tránh khỏi...
(TN&MT) - Song hành với phát triển công nghiệp truyền thống, suy thoái môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên là điều không tránh khỏi. Việc chuyển đổi, phát triển, xây dựng các khu công nghiệp sinh thái là một trong những định hướng chiến lược của thành phố Đà Nẵng nhằm tăng trưởng xanh và bền vững. Cách làm này sẽ tạo một bộ mặt mới, một môi trường trong sạch và hấp dẫn cho toàn khu vực, làm thay đổi cách nhìn thiếu thiện cảm cố hữu của cộng đồng đối với sản xuất công nghiệp lâu nay.
   
Phát triển Khu công nghiệp sinh thái
   
  Đà Nẵng là thành phố động lực để phát triển khu vực Miền Trung - Tây Nguyên; tăng trưởng kinh tế và thu nhập bình quân đầu người cao gấp 1,6 lần so với bình quân chung của cả nước. Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đã mang lại nhiều thành tựu to lớn trên lĩnh vực kinh tế - xã hội và các lĩnh vực khác; và làm thay đổi tích cực về diện mạo cũng như năng lực cạnh tranh của thành phố so với các thành phố lớn trong cả nước và khu vực.
   
  Để đạt được những mục tiêu đề ra việc xây dựng và phát triển các khu công nghiệp (KCN) sinh thái trên địa bàn thành phố là định hướng tất yếu. Các KCN sinh thái và thân thiện với môi trường khi được phát triển ở Đà Nẵng không chỉ hỗ trợ tốt hơn cho công tác quản lý dự án đầu tư, tăng cường hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài và quan trọng hơn là quản lý nguồn tài nguyên và môi trường đảm bảo phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế bền vững.
   
Đà Nẵng đang hướng tới tăng trưởng xanh để phát triển bền vững.
   
  Đà Nẵng hiện có 6 KCN với tổng diện tích gần 1.150 ha và 1 khu CNC. Thành phố đang hoàn thiện và củng cố hệ thống các quy định và luật về môi trường nhằm giảm thiểu quá trình ô nhiễm môi trường qua các phương pháp: Tránh gây ô nhiễm tại nguồn, làm dịu bớt mức độ ô nhiễm ngay tại nơi sản xuất, nơi tiếp cận, xử lý ô nhiễm, đóng góp đối ứng trong xử lý ô nhiễm…  Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo chiến lược tăng trưởng xanh của thành phố là giảm cường độ phát thải, thúc đẩy năng lượng sạch và tái tạo, sản xuất xanh (công nghiệp hóa sạch), lối sống xanh và thúc đẩy tiêu thụ bền vững.
   
  Đà Nẵng đã phân tích các chiến lược và chương trình trọng điểm với các ý tưởng thí điểm. Tiêu biểu như: Quản lý vật liệu bền vững thông qua viên chất thải thành nguồn lực; không gian xanh; công nghiệp hóa xanh để tăng năng xuất và sử dụng hiệu quả nguồn lực thông qua chương trình kiểm toán năng lượng, khu công nghiệp sinh thái và quy hoạch tổng thể khu công nghệ cao…
   
Cải tiến hệ thống xử lý nước thải
   
  Thành phố định hướng không gian phát triển công nghiệp, tập trung phát triển các ngành công nghiệp sạch, có kỹ thuật cao để không ảnh hưởng đến cảnh quan du lịch và môi trường khu vực. Bố trí các cụm tiểu thủ công nghiệp tại vị trí phù hợp trong khu vực các quận và đô thị thuộc huyện. Trong đó, các khu công nghiệp tập trung thành phố hiện có gồm gồm: KCN Liên Chiểu (370ha); KCN Hòa Khánh (423,5ha); KCN Hòa Khánh mở rộng với diện tích 124ha; KCN Hoà Cầm (136,7ha); KCN Dịch vụ Thuỷ sản Thọ Quang (77,3ha); Cụm công nghiệp Thanh Vinh (17,23ha).
   
  Tại Đà Nẵng, KCN dịch vụ thủy sản Đà Nẵng và KCN Hòa Cầm là hai điểm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Do đó, thành phố cần có chiến lược quản lý bền vững từ chất thải đến nguồn lực, các giải pháp công nghệ cho ngắn hạn, trung hạn, dài hạn; kế hoạch phát triển công nghiệp theo định hướng xanh, sử dụng hiệu quả năng lượng công nghiệp, phát triển năng lượng tái tạo và dịch vụ hạ tầng đô thị bền vững.
   
  Được biết, từ tháng 10/2013 dự án “Nghiên cứu chính sách phát triển các Khu công nghiệp sinh thái tại Đà Nẵng” chính thức triển khai trong vòng 6 tháng với nhiều hoạt động nghiên cứu diễn ra tại Việt Nam và Hàn Quốc với sự hỗ trợ từ Chương trình Chia sẻ tri thức Hàn Quốc (KSP) của Bộ Chiến lược - Tài chính Hàn Quốc và Viện Tăng trưởng xanh Toàn Cầu (GGGI). Trong khuôn khổ dự án này, các chuyên gia hai nước đã tập trung tư vấn chính sách phát triển các khu công nghiệp sinh thái cho thành phố, bao gồm 6 KCN hiện có và Khu công nghệ cao Đà Nẵng, đồng thời đề xuất chính sách cải tiến, xây dựng mới hệ thống nước thải công nghiệp của các KCN Hòa Cầm và Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng.
   
Bài và ảnh:Ni Na - Võ Hà