Xử lý chất thải điện tử tại Việt Nam: Cơ hội hay thách thức ?

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 30/05/2014

(TN&MT) - Xử lý chất thải điện tử là một vấn đề rất nóng hiện nay, bởi loại chất thải này nếu xử lý đúng cách sẽ có lợi cho môi trường...
(TN&MT) - Xử lý chất thải điện tử là một vấn đề rất nóng hiện nay, bởi loại chất thải này nếu xử lý đúng cách sẽ có lợi cho môi trường, hạn chế khai thác một lượng lớn kim loại quý nhờ tái chế. Tuy nhiên, nó cũng gây ra những thách thức khi tồn tại một trong những yếu tố gây ô nhiễm đất, nước ngầm và bầu khí quyển trên quy mô lớn với tác hại khôn lường.
   
Rác thải điện tử đang là cơ hội cũng như đặt ra thách thức không nhỏ cho môi trường.
   
“Con dao hai lưỡi”
   
  Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), trong rác thải điện tử có chứa hơn 1.000 hợp chất khác nhau, chủ yếu là thành phần kim loại nặng, kim loại quý, các chất hữu cơ cao phân tử khác… Chính vì vậy, chất thải điện tử (CTĐT)  nếu xử lý đúng thì đây thực sự là một... “mỏ vàng” bởi nó chứa nhiều vật liệu quý có thể thu hồi như: Vàng, bạc, đồng, platin, niken. Ước tính, trong 1 tấn điện thoại di động có đến 150g vàng, gấp 10 lần lượng vàng trong 1 tấn quặng vàng, chưa kể đến 100kg đồng, 3kg bạc và nhiều kim loại khác.
   
  Cũng từ loại rác thải có khả năng tiềm tàng này mà tháng 2 năm 2010, hãng điện thoại Nokia đã tặng cho Công ty Môi truờng đô thị thành phố Hồ Chí Minh 290 thùng rác đuợc sản xuất từ nguyên liệu tái chế hơn 7300 điện thọai di động và hơn 9200 linh kiện. Bởi thế, không xử lý CTĐT đồng nghĩa với việc lãng phí nguồn tài nguyên cực lớn.
   
  Tuy nhiên, trong chất thải điện tử chứa nhiều thành phần gây ô nhiễm nghiêm trọng, cực kỳ nguy hại cho sức khỏe con người và môi trường như: Chì (Pb), cadmium (Cd), thủy ngân (Hg), các hợp chất của brom như: PBBs, PBDEs, asen (thạch tín), CFC, HCFC (có khả năng phá hủy tầng ozone)... ảnh hưởng đến sức khỏe con người bao gồm nguyên nhân gây ra mầm bệnh ung thư, đường hô hấp, tim mạch và thần kinh...
   
  Nhận thức được điều này tại Việt Nam, chất thải điện tử đã được coi là nhóm chất thải được xếp vào Danh mục chất thải nguy hại (CTNH) cần được quản lý, theo Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT của Bộ TN&MT về quản lý CTNH.
   
  Bên cạnh đó, trong tháng 8/ 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng quy định cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên liên quan trong việc sản xuất, lưu thông, xử lý các sản phẩm thải bỏ.
   
  Quyết định được ban hành cho thấy nhận thức đúng đắn của cơ quan quản lý, trong việc nhìn nhận lại bản chất loại CTNH và nỗ lực xây dựng một hệ thống quản lý phù hợp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên từ nhóm chất thải. Quyết định này đã xây dựng cơ sở pháp lý cho việc áp dụng hệ thống quản lý CTĐT mới dựa trên cơ chế trách nhiệm nhà sản xuất kéo dài (EPR), là cơ chế mà theo đó, trách nhiệm của nhà sản xuất đối với sản phẩm của mình được mở rộng đến cả giai đoạn hậu tiêu dùng (thải bỏ) trong vòng đời sản phẩm. Bên cạnh đó, đây cũng là lần đầu tiên, chất thải điện tử có thể được coi là một loại chất thải không phải là CTNH, khi miễn đăng ký hành nghề quản lý CTNH nếu như doanh nghiệp thỏa mãn một số điều kiện như có đăng ký kinh doanh sản phẩm, có trang thiết bị và giải pháp kỹ thuật kiểm soát ô nhiễm và BVMT tại các điểm thu gom, có phương tiện và thiết bị chuyên dụng để thu hồi và vận chuyển sản phẩm thải bỏ.
   
Cần quyết sách đủ mạnh
   
  Việc thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ là cần thiết, nhằm tạo điều kiện phát triển cho ngành công nghiệp môi trường, tiết kiệm được nguồn tài nguyên, khắc phục tình trạng thu gom, tái chế manh mún, thủ công tại các làng nghề hiện nay đang gây tác động xấu đến môi trường. Nhưng thời điểm áp dụng Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg đối với nhóm CTĐT là ngày 1/1/2015 và hiện nay đang tồn tại một số bất cập trong cả công tác quản lý lẫn cơ sở hạ tầng phục vụ cho hệ thống thu hồi sản phẩm thải bỏ.
   
  Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Trung Hải, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ môi trường (Đại học Bách Khoa Hà Nội), cho rằng khung pháp lý về quản lý CTĐT vẫn còn thiếu những quy định pháp luật cần thiết hỗ trợ cho việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ hiệu quả, đặc biệt là tiêu chuẩn về vật liệu tái chế và sản phẩm tái chế. Việc áp dụng trách nhiệm nhà sản xuất kéo dài là một bước đi đúng đắn và phù hợp với các quan điểm phát triển bền vững của Việt Nam, theo đó, nhà sản xuất và cơ quan quản lý tham gia trực tiếp vào khâu quản lý sản phẩm sau thải bỏ. Trách nhiệm đối với các sản phẩm bị thải bỏ cần được chia sẻ giữa các bên liên quan, bao gồm cả người tiêu dùng. Trách nhiệm này không chỉ bao gồm trách nhiệm tài chính mà còn bao gồm trách nhiệm xã hội và hoạt động thu hồi; Nhà sản xuất và nhà tái chế/tháo dỡ chính thức phải là nhân tố chính có trách nhiệm chi trả cho các hoạt động thu gom, vận chuyển, lưu giữ, tái chế và tháo dỡ những sản phẩm của họ, đặc biệt là các sản phẩm kích thước lớn.
   
  Cơ chế báo cáo và trao đổi thông tin cần phải được thực hiện bởi nhà sản xuất, các trung tâm/điểm thu hồi, các cơ sở tháo dỡ và tái chế, và cơ chế này cần được đặt dưới sự giám sát của Chính phủ và các bên liên quan khác.
   
Nguyễn Cường