Gia Lai: Thất thoát tài nguyên khoáng sản
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 20/05/2014
(TN&MT) - Buông lỏng quản lý là nguyên nhân khiến nguồn tài nguyên khoáng sản ở tỉnh Gia Lai bị thất thoát, lãng phí một cách nghiêm trọng.
(TN&MT) - Buông lỏng quản lý là nguyên nhân khiến nguồn tài nguyên khoáng sản ở tỉnh Gia Lai bị thất thoát, lãng phí một cách nghiêm trọng.
Quản lý kém
Tỉnh Gia Lai là một trong những địa phương ở khu vực Tây Nguyên được thiên nhiên ưu đãi cho nhiều tài nguyên khoáng sản như quặng sắt, chì, kẽm, than bùn... Trong đó, các loại đá granit, gabro, đá bazan trụ, đá xây dựng chiếm một tỷ lệ rất lớn. Thế nhưng, thời gian qua, nguồn tài nguyên quý giá này đã bị thất thoát, lãng phí một cách nghiêm trọng do cách quản lý thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Theo báo cáo của Sở TN & MT tỉnh Gia Lai, tính đến thời điểm này, trong tổng số 75 giấy phép khai thác khoáng sản còn có hiệu lực, có 11 mỏ khoáng sản đơn vị chưa thực hiện khai thác. Trong đó, có 3 mỏ của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai, 3 mỏ của Xí nghiệp tư doanh Hiệp Lợi, 2 mỏ của Công ty TNHH Hoàng Nhi, 1 mỏ của Công ty TNHH Sơn Thạch... Tất cả các mỏ trên đều được cấp phép từ tháng 6/2011 nhưng chưa tiến hành xây dựng cơ bản và thực hiện khai thác. Đặc biệt, mỏ đá xây dựng tại xã Ia Pia, huyện biên giới Chư Prông cấp phép từ ngày 22/11/2009, hết hạn ngày 22/11/2012, tuy nhiên Sở TN & MT đã không thực hiện việc kiểm tra sau cấp phép, để kịp thời có văn bản thông báo chấn chỉnh đối với đơn vị khai thác và tham mưu cho UBND tỉnh Gia Lai ra quyết định thu hồi giấy phép.
Bên cạnh việc buông lỏng quản lý, để DN “tận thu” vượt công suất cho phép trong khoảng thời gian dài, Sở TN & MT tỉnh Gia Lai còn chưa thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất sau khi cấp phép, để kịp thời chấn chỉnh và xử lý vi phạm đối với các đơn vị báo cáo sai lệch số liệu, đặc biệt là đối với những DN khai thác vượt công suất rất lớn.
Chưa dừng lại ở đó, việc quản lý và sử dụng đất trong lĩnh vực khai thác khoáng sản chưa được Sở TN & MT tỉnh Gia Lai quan tâm. Tính đến tháng 7/2013, chỉ có 61 mỏ có ký hợp đồng thuê đất trong tổng số 75 mỏ được cấp phép. Điều này cho thấy sự thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng chuyên môn của Sở TN & MT trong việc quản lý, sử dụng đất.
Việc ký quỹ phục hồi môi trường cũng bị buông lỏng. Sở TN & MT chưa thực hiện kiểm tra, đôn đốc, xử phạt các đơn vị vi phạm, dẫn đến việc chậm nộp số tiền quỹ lớn vào quỹ cải tạo, phục hồi môi trường. Theo số liệu thống kê, trong số 89 giấy phép khai thác khoáng sản, mới có 44 đơn vị thực hiện nộp tiền ký quỹ, một số đơn vị có nộp tiền ký quỹ nhưng với tỷ lệ thấp.
Đá bóng trách nhiệm
Trả lời về thực trạng trên, ông Lương Thanh Bình - Phó Giám đốc Sở TN & MT tỉnh Gia Lai giải thích: “Hiện nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai có trên 70 giấy phép khai thác khoáng sản có hiệu lực, được cấp trước khi Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực. Từ năm 2010, Sở chỉ tham mưu cho UBND tỉnh cấp và đổi khoảng 4 - 5 giấy phép. Nguyên nhân là một số giấy phép chưa đến hạn hoặc đến kỳ xin gia hạn thì lại rơi vào nhóm khoáng sản không thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh”.
Nói về công tác hậu kiểm sau khi cấp phép khai thác, lãnh đạo Sở TN & MT tỉnh Gia Lai cho rằng: Trách nhiệm tương đối lớn là của chính quyền địa phương. “Sở chỉ có 3 cán bộ phụ trách chuyên môn hậu kiểm tất cả các đơn vị đã cấp phép. Hoặc để phát hiện các DN khai thác trái phép thì cũng không thể làm xuể nếu không có thông tin từ phía chính quyền địa phương. Sở chỉ định kỳ, kết hợp với những đợt kiểm tra, kiểm soát chứ không thể nghe thông báo là xuống kiểm tra, mà lúc đến thì DN dừng, không khai thác. Nhưng khi cán bộ kiểm tra về thì DN lại tiếp tục, khai thác kiểu thủ công thì rất khó kiểm soát”, ông Bình cho biết.
Trong khi đó, về phía địa phương, ông Trần Thế Trang - Trưởng phòng TN & MT huyện Kbang trăn trở: Trên địa bàn huyện hiện có 7 DN thực hiện khai thác khoáng sản. Tuy địa phương được giao việc thực hiện công tác giám sát, nhưng ngoài việc DN kê khai khối lượng khai thác trên tờ khai thuế nộp cho cơ quan thuế địa phương, thì Phòng TN & MT cũng không có phương tiện hay biện pháp gì để biết được DN đó khai thác khối lượng bao nhiêu, khai thác như thế nào, nộp thuế tài nguyên ra sao. Vào thời điểm 1/7/2010, trước khi có Nghị định mới về khai thác khoáng sản có hiệu lực thì hàng loạt DN ồ ạt đua nhau xin cấp phép khai thác khoáng sản, hết ở huyện nọ rồi đến huyện kia khi còn được UBND tỉnh phê duyệt, cấp phép. Nhưng khi xin được giấy phép theo kiểu “xí phần” xong rồi thì các DN cũng để đó, sau đó thấy khả năng, năng lực không đủ, hoặc mỏ đá chất lượng thấp, không đạt yêu cầu thì xin trả lại giấy phép…
Bài và ảnh: Thục Vy