Hiến pháp 2013: Nền tảng vững chắc cho công tác bảo vệ môi trường

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 18/04/2014

(TN&MT) - Hiến pháp nước CHXH Chủ nghĩa Việt Nam chính thức được thông qua, trong đó có một số quy định đáng chú ý liên quan đến lĩnh vực TN&MT...
(TN&MT) - Ngày 28/11/2013, Hiến pháp nước CHXH Chủ nghĩa Việt Nam chính thức được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII với 11 Chương, 120 Điều, trong đó có một số quy định đáng chú ý liên quan đến lĩnh vực TN&MT. Lần đầu tiên Hiến pháp ghi nhận quyền con người đối với môi trường: Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường.
   
Hệ thống xử lý nước thải.
    
BVMT – nhiệm vụ ưu tiên
   
  Trước tiên phải khẳng định, so với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến, thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ của Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; quy định rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, cộng nghệ và môi trường; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo vệ Tổ quốc; tổ chức bộ máy Nhà nước, hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp.
   
  Những quy định này đã thể hiện quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân về đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển bền vững trên 3 trụ cột chính: Kinh tế - xã hội - môi trường. Đây là cơ sở hiến định, bảo đảm về mặt chính trị - pháp lý để phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong thời kỳ mới.
   
  Tại Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên nguyên tắc người gây thiệt hại môi trường phải khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại được ghi nhận: “Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại” (Khoản 3, Điều 63). Đây là nguyên tắc thể hiện rõ nét nhất biện pháp kinh tế trong bảo vệ môi trường, dùng lợi ích kinh tế tác động vào chính hành vi của các chủ thể theo hướng có lợi cho môi trường.
   
  Hiến pháp tái khẳng định các loại tài nguyên là tài sản công, thuộc sở hữu toàn dân và Nhà nước là đại diện chủ sở hữu: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” (Điều 53; được sửa đổi trên cơ sở Điều 17, Hiến pháp 1992).
   
  Có thể thấy rõ, BVMT đã được chú trọng, đặt ngang tầm với các lĩnh vực khác cụ thể, tại Điều 50, BVMT đã được ghi nhận là nhiệm vụ ưu tiên, trước cả công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: “Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát huy nội lực, hội nhập, hợp tác quốc tế, gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, BVMT, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (Điều 50, được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở Điều 15 và Điều 43, Hiến pháp 1992).
   
  Hiến pháp năm 2013 quy định Chính phủ thống nhất quản lý về môi trường: “Chính phủ có nhiệm vụ thống nhất quản lý về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, thông tin, truyền thông, đối ngoại, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thi hành lệnh động viên, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân (Điều 96, được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở các Điều 24, 26, 30, 36, 39, 41, 109, 112, Hiến pháp 1992).
   
Bước tiến mới bền vững
   
  Hiến pháp năm 2013 đã phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; quy định rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Với những quy định về quyền con người và trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan Nhà nước, tổ chức và cá nhân được quy định trong Hiến pháp là nền tảng cho công tác BVMT hướng tới sự phát triển bền vững tạo điều kiện cho Việt Nam trở thành một nước dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh...
   
  Nhìn nhận thực tế, từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã sớm nhận thức tầm quan trọng của phát triển bền vững. Liên quan tới BVMT và hệ sinh thái, đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết và không ngừng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội.
   
  Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường với mục tiêu đến năm 2020 tiến tới một xã hội có môi trường xanh, sạch, đẹp, phát triển kinh tế - xã hội luôn lấy con người làm trung tâm và dựa trên cơ sở bảo tồn, cải thiện chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người, duy trì tính đa dạng và năng suất của thiên nhiên.
   
  Tuy vậy, để đạt được những chỉ tiêu sinh thái và nâng cao điều kiện, môi trường sống của người dân như: 80% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải đạt yêu cầu; thu gom 95%, tái sử dụng hoặc tái chế trên 75% tổng chất thải rắn sinh hoạt, 80% chất thải rắn công nghiệp, xây dựng; 95% dân đô thị, 90% dân nông thôn được cung cấp nước sạch… cần sự chung tay, quyết tâm cao của toàn xã hội.
   
Phương Anh