Quảng Ninh: Công ty than Vàng Danh coi thường pháp luật

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 11/04/2014

(TN&MT) - Suốt một thời gian dài, không có được cấp phép xả thải ra môi trường, nhưng Ban Giám đốc công ty này vẫn ngang nhiên cho công nhân bơm nước bẩn ra môi...
   
(TN&MT) - Suốt một thời gian dài, không có được cấp phép xả thải ra môi trường, nhưng Ban Giám đốc công ty này vẫn ngang nhiên cho công nhân bơm nước bẩn ra môi trường. Đến khi Bộ Tài nguyên và Môi trường “thổi còi”, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam,  ông Vũ Thanh Lâm đã ký công văn “xin xỏ” nhẹ tay, thậm chí còn đề nghị xóa lỗi cho doanh nghiệp này(?!). Đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước cần phải làm nghiêm, tôn trọng luật pháp.  
   
   
Nước thải vô tư chảy
   
  Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đại, nhà ở phường Vàng Danh, TP Uông Bí cho than thở, ở đây tình trạng ô nhiễm đáng ở mức báo động, xe của các doanh nghiệp than như Vàng Danh, Vy Sơn chạy rầm rập suốt đêm ngày. Ngày nắng thì bụi mù mịt, ngày mưa thì khốn khổ. Dòng suối chảy từ khu mỏ của Công ty than Vàng Danh thì thải ra đen ngòm, ngày nào nước cũng cuồn cuộn chảy. Khiếp nhất là những hôm mưa, nước quá đen, chả nhìn thấy gì. Ông Đại cũng thẳng thắn cho biết, dòng suối này không bao giờ có nổi con cá, sống ở đây bao năm, gia đình ông chưa bắt được con cá nào hay nhìn thấy con cá nào ở đây cả. Đàn vịt nhà nuôi cũng chẳng dám xuống suối vầy vì ô nhiễm...
   
Hồ chứa nước thải đen ngòm, cứ đầy nước thải là tự động tràn ra suối xung quanh, gây ô nhiễm
    
  .
  “Mục sở thị” dòng suối, chúng tôi thấy: cả một dòng suối dài chừng vài km chảy từ khu mỏ than Vàng Danh ra phía TP Uông Bí, dòng suối quá bẩn, nước đen ngòm, bùn cát quá nhiều, dầy đặc lòng suối, mặc dù đã được địa phương cho kè hai bên bờ, nhưng thực tế, tình hình môi trường vẫn chẳng cải thiện được là bao. Thậm chí có nhiều chỗ bị xe tải chạy nhiều khiến đê kè bị nứt. Điều lạ, mặc dù vận chuyển than bằng các toa tàu kéo ra cảng, nhưng từ khu mỏ than Vàng Danh, vẫn còn khá nhiều xe tải hạng nặng của một công ty cổ phần có tên Vy Sơn chạy rầm rập chở than ra cảng. Việc này khiến dư luận không khỏi nghi ngờ có sự “móc ngoặc” để “ăn cắp” tài nguyên khoáng sản(?). Bởi trước đây cũng đã có bài học nhãn tiền từ Công ty than Uông Bí để rồi mấy chục “kẻ cắp” phải ra trước vành móng ngựa. Vậy tại sao lại có chuyện doanh nghiệp khác cứ rầm rập chở than, chẳng lẽ Công ty than Vàng Danh “nghèo” nên phải thuê xe ngoài?.
   
Không rõ đây là đường ống nước gì?
    
   
Thừa nhận có sai
   
  Trước những bức xúc của người dân địa phương cũng như bảo vệ pháp luật, phóng viên đã đến đặt lịch làm việc với Ban Giám đốc Công ty than Vàng Danh. Doanh nghiệp này cử ông Nguyễn Tiến Phượng, Phó Giám đốc Công ty CP than Vàng Danh trả lời báo chí. Ông Phượng cho biết: Cả khu mỏ rộng lớn của Công ty CP than Vàng Danh có một nửa là được cấp giấy phép, còn một nửa là chưa được cấp giấy phép, rồi ông này lại dẫn giải, việc toàn bộ nguồn nước thải được hút lên từ các hầm lò của công ty thì phía Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã giao phó cho Công ty TNHH MTV Môi trường bơm hút xả thải ra môi trường. Tuy nhiên đến khi hỏi về Giấy phép xả thải vào nguồn nước đâu thì vị phó giám đốc này không trả lời nổi, không chứng minh được. Sau đó, ông Phượng thừa nhận là đơn vị chưa có giấy phép xả thải vào nguồn nước (cả nguồn nước thải vào hút lên từ hầm lò, và nguồn nước thải công nghiệp).
   
Trạm xử lý nước thải này cũng chẳng có giấy phép
    
   
  Qua điều tra, chúng tôi được biết: Ngoài phần nước thải bơm lên từ các hầm lò ở độ sâu hàng trăm mét do phía Công ty TNHH MTV Môi trường thực hiện ra, hiện trạng công trình xả thải của Công ty CP than Vàng Danh là khá lớn. Tất cả các nguồn nước thải này đều bắt nguồn từ hoạt động sản xuất của công ty tại khu khai thác lộ thiên. 1. Nước thải tại khu vực khai thác vỉa lộ thiên vỉa 4,5,6 Cánh Gà. Tại hiện trạng có 1 hố lắng khoảng 2300 m3. 2. Nước thải khu vực khai thác lộ thiên vỉa 7 Cánh Gà II, hiện trạng có 1 hố lắng 500m3. 3. Nước thải khu vực khai thác lộ vỉa 5(+270) Tây Vàng Danh, hiện trạng có một hố lắng khoảng 21.000m3… Tất cả các nước thải này khi phát sinh đều chảy về suối Than Thùng và suối Tây Vàng Danh sau đó gộp về suối Vàng Danh rồi chảy về các dòng khác chảy qua TP Uông Bí trước khi ra các sông suối lớn khác gây ô nhiễm.
   
Dòng suối đầy nước bẩn bị ô nhiễm bởi những con người thiếu ý thức.
    
   
  Trao đổi với phóng viên, Luật sư Hà Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận: việc xả thải ra môi trường gây ô nhiễm là hành động đáng trách, không thể lấy lý do “này – nọ” để hòng chối bỏ trách nhiệm của mình. Càng là đơn vị của Nhà nước, càng phải tôn trọng nhân dân, tôn trọng pháp luật, các doanh nghiệp phải đối xử bình đẳng như nhau, đừng lấy lý do “công ăn việc làm, cơm ăn áo mặc” để bao biện cho hành vi đáng xấu hổ của mình. Căn cứ theo Nghị định số 179/2013/NĐ-CP “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường” thì Công ty CP than Vàng Danh phải được xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
   
  Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về hàng loạt các doanh nghiệp sai phạm ở đây. 
          
  Bài & ảnh: Hà Thúy