Ô nhiễm ánh sáng - kẻ thù “giấu mặt”

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 25/03/2014

(TN&MT) - Ánh sáng quá nhiều có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người là những gì đã được các nhà khoa học đưa ra trong một cuộc Hội thảo gần đây...
(TN&MT) - Ánh sáng quá nhiều có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người là những gì đã được các nhà khoa học đưa ra trong một cuộc Hội thảo gần đây tại Hồng Kông. Và “Ô nhiễm ánh sáng” là cụm từ để chỉ một loại ô nhiễm có thật, ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống, sức khỏe người dân từ việc làm dụng quá nhiều loại đèn điện thắp sáng tại các đô thị hiện nay.
   
    
Hệ thống đèn điện thành phố gây ô nhiễm ánh sáng lớn nhất.Ảnh: ST
   
“Sát thủ thị lực!”
   
  Các nhà khoa học Đại học Hồng Kông ngày 20/3 đã công bố nghiên cứu cho thấy, đặc khu hành chính này là một trong những thành phố có mức độ “ô nhiễm ánh sáng” tồi tệ nhất trên thế giới, vượt quá 1.000 lần mức độ cho phép vào buổi tối. Nghiên cứu trên cho thấy, mức độ ô nhiễm ánh sáng ở khu mua sắm nổi tiếng trên đường Tsim Sha Tsui gấp 1.200 lần với tiêu chuẩn của bầu trời khi về tối. Lee Garden là khu mua sắm nhộn nhịp ở Hồng Kông, và chỉ cần mở hé cánh cửa, anh sẽ bị nhức mắt bởi vô số biển quảng cáo và ánh sáng xanh đỏ không bao giờ tắt.
   
  Thực tế cho thấy, con người đang quá lạm dụng vào nguồn ánh sáng từ bóng đèn điện. Ở những thành phố lớn, những chiếc đèn đường sáng rực, đèn cao áp chiếu sáng công trường, những biển hiệu quảng cáo... đã tạo ra một nguồn ô nhiễm vô hình, một sát thủ trực tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe của con người.
   
  Theo các nhà khoa học, năng lượng phát sinh từ việc chiếu sáng ban đêm làm tăng một lượng lớn khí CO2 và các loại khí nhà kính khác. Hơn nữa, nó còn góp phần vào hiệu ứng ấm lên của trái đất. Tất cả đều do nhu cầu lãng phí về năng lượng ánh sáng của con người.
   
  Theo Tổ chức Y tế Thế giới - WHO, ánh sáng không cần thiết và thiết kế thiếu hợp lý được coi là một dạng ô nhiễm. Trong một thế giới ngày càng hiện đại hơn, dạng ô nhiễm này đang tác động đến chúng ta một cách âm thầm. Nó chính là một "sát thủ thị lực" đáng sợ đối với con người. Ở những thành phố lớn, người ta thường xuyên không ngủ được, đồng hồ sinh học bình thường trong cơ thể con người đã bị đảo lộn.
   
  Dù chưa xác định được chính xác lượng ánh sáng tiếp xúc về đêm bao nhiêu thì được xem là quá mức, nhưng các nhà khoa học có thể đưa ra khẳng định về những căn bệnh liên quan đến ánh sáng thường phổ biến ở những xã hội công nghiệp hóa. Nghiên cứu của trường đại học Haifa (Israel) kết luận, phụ nữ sống ở những vùng đô thị nhiều ánh sáng nhân tạo có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn 73% so với những phụ nữ ở những nơi tận dụng chiếu sáng tự nhiên. Hiện nay WHO đã thêm các hoạt động liên quan đến rối loạn nhịp sinh học vào danh sách các yếu tố gây ra bệnh ung thư.
   
  Trong khi đó, ô nhiễm ánh sáng từ các bóng đèn màu sắc sặc sỡ (còn gọi là ô nhiễm ánh sáng màu) không những tạo ra bất lợi đối với mắt mà còn gây rối loạn cho thần kinh, khiến cho con người dễ xuất hiện các triệu chứng choáng váng chóng mặt, khó chịu trong người, buồn nôn, mất ngủ, mất tập trung, cơ thể mệt mỏi, cáu gắt thường xuyên, buồn phiền... Theo nghiên cứu, nếu như bị các tia tử ngoại sinh ra bởi các bóng đèn ánh sáng màu trong sân khấu chiếu xạ trong thời gian dài sẽ xuất hiện các triệu chứng chảy máu mũi, rụng răng, đục thủy tinh thể, thậm chí dẫn tới bệnh máu trắng và các bệnh nguy hiểm khác.
   
  Nguyên nhân khác gây ra ô nhiễm ánh sáng chính là kính gương. Kính gương được sử dụng phổ biến bởi sự mỹ quan, cách nhiệt tốt, trọng lượng nhẹ. Các kiến trúc cao tầng một thời dùng loại kính này để tăng tính thẩm mỹ cho các tòa nhà. Tuy nhiên, hậu quả rõ nhất do kính gương mang lại là sự phản xạ ánh sáng, gây nguy hiểm cho người lái xe.
   
Giảm ô nhiễm, cách nào?
   
  Điện năng và ánh sáng là cơ sở của sự phát triển kinh tế và đáp ứng nhu cầu của cuộc sống con người. Tất nhiên, các nước phát triển không thể thiếu hai yếu tố này. Nhưng với sự đe dọa của ô nhiễm ánh sáng như hiện nay, các nhà khoa học đang nỗ lực nghiên cứu các nguồn thay thế, giảm bớt tác hại tiềm tàng do ánh sáng nhân tạo mang lại. Để giải quyết vấn đề cấp bách này, các nhà khoa học ở một số quốc gia đã chuyển sang biện pháp sử dụng "màu sinh thái". "Màu sinh thái" là những màu sắc đem lại cảm giác dễ chịu cho đôi mắt, không gây phản quang hay ảnh hưởng đến sức tập trung của thị giác.
   
  Chẳng hạn như khi trang trí kiến trúc trong phòng, người ta sử dụng màu vàng lúa, xanh nhạt thay cho mầu trắng kích thích mắt, thậm chí trang phục cũng cần theo màu sinh thái, không nên mặc quần áo màu trắng tuyết gây ra cảm giác không dễ chịu cho thị giác người xung quanh. Ngoài ra, các nhà khoa học còn khuyến khích mọi người nên sử dụng đèn có lồng cách nhiệt, giảm công suất chiếu sáng ngoài trời. Bóng đèn có lồng cách nhiệt (thường là lồng kính) tốn ít công suất và giúp tiết kiệm năng lượng, chi phí và giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
   
  Tại Hồng Kông, “Bạn Trái đất”, một tổ chức bảo vệ môi trường của Hồng Kông đã lên chương trình kêu gọi các doanh nghiệp tắt bớt đèn quảng cáo, kết quả đã có hơn 40 doanh nghiệp tham gia ký kết “Hiến chương tắt đèn”.
   
  Tính đến nay, 19 doanh nghiệp trong số đó cho hay, họ không thấy việc tắt đèn ảnh hưởng đến kinh doanh cũng như lợi nhuận. Hiện “Bạn Trái đất” đã xây dựng trang web lightmap.foe.org.hk, trang web đầu tiên về ô nhiễm ánh sáng ở Hồng Kông để thị dân có thể truy cập và cung cấp thông tin về những biển quảng cáo gây hại. Còn Việt Nam, chúng ta sẽ đối phó với ô nhiễm ánh sáng -  “sát thủ” giấu mặt này như thế nào? Tìm câu trả lời ngay từ lúc này sẽ là không quá sớm.
   
K.Liên