Làng bún Phú Đô: Bao giờ hết ô nhiễm?

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 26/03/2014

(TN&MT) - Chính quyền xã Mễ Trì đã có nhiều nỗ lực để hạn chế lượng chất thải trực tiếp từ việc sản xuất bún ở làng nghề Phú Đô song vẫn còn không ít khó khăn,...
   
(TN&MT) - Ô nhiễm môi trường ở làng bún Phú Đô không phải là vấn đề mới. Chính quyền xã Mễ Trì đã có nhiều nỗ lực để hạn chế lượng chất thải trực tiếp từ việc sản xuất bún song vẫn còn không ít khó khăn, bất cập. 
    
Xã nói sạch, dân bảo chưa 
   
  Thôn Phú Đô có nghề sản xuất bún truyền thống lâu đời từ hơn 400 năm nức tiếng khắp đất Hà Thành.  Hiện nay, làng bún Phú Đô trung bình sản xuất 50 tấn bún/ngày, cung cấp cho gần một nửa thị trường Hà Nội. Theo ông Bùi Quang Cảnh – Trưởng thôn Phú Đô, cả thôn có 205 hộ sản xuất và trên 250 hộ kinh doanh bún. Trước đây nước thải từ sản xuất bún ít bỏ đi vì được tận dụng để chăn nuôi lợn, gà. Từ khi áp dụng máy móc hiện đại vào sản xuất bún, lượng nước sử dụng cũng giảm đi đáng kể, qua đó lượng nước thải từ làm bún cũng giảm khoảng 70% so với trước. Ông Cảnh cũng cho biết thêm nước thải từ làm bún bây giờ hầu như không có mùi, nếu đổ thẳng xuống cống cho chảy ra sông Nhuệ cũng không gây ô nhiễm môi trường nước?!    
   
Bên trong một cơ sở sản xuất bún
    
   
  Qua trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hường – Phó Chủ tịch UBND xã Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, chi hội nghề nghiệp và tổ công tác chuyên trách của xã thường xuyên xuống kiểm tra, nhắc nhở các hộ sản xuất bún hạn chế xả nước thải trực tiếp xuống cống mà cho lại vào bể lắng lấy cặn (bún, gạo thừa) để đưa ra bên ngoài. Ngoài ra, thôn cũng thành lập CLB nghề bún để tự kiểm tra, hỗ trợ, nhắc nhở lẫn nhau sản xuất vệ sinh, an toàn, tiết kiệm nước và hạn chế tác động đến môi trường.
   
  Trưởng thôn Bùi Quang Cảnh dẫn chúng tôi xuống tham quan trực tiếp quá trình sản xuất bún của một số hộ dân. Gia đình anh Trần Ngọc Hạnh, một hộ làm bún với sản lượng 5 tạ bún/ngày, chia sẻ: “Gia đình tôi đầu tư gần 40 triệu để mua máy móc phục vụ cho việc làm bún. Bên cạnh việc làm ra những mẻ bún tươi ngon, chất lượng, tôi cũng chú trọng đến việc vệ sinh xưởng sản xuất và xử lí nước thải trước khi xả xuống cống ngầm”. Qua quan sát của chúng tôi, cơ sở làm bún của anh khá sạch sẽ, khang trang, nhưng nước thải không được xử lý mà chảy thẳng ra hệ thống cống rãnh của làng. Không khó để nhận ra một mùi chua khó chịu phảng phất trong không khí.   
   
Nước ao làng Phú Đô chuyển màu đen đục từ lâu
    
                    
  Như vậy, thực tế không hoàn toàn giống như những gì chính quyền xã đã nói. Ông Nguyễn Phương, một người dân sống lâu năm ở đây bày tỏ bức xúc: “Trước đây, chúng tôi có thể tắm, lội và bắt cá dưới khúc sông Nhuệ nhưng giờ thì không thể vì ô nhiễm nặng. Một ngày không biết bao nhiêu bụi bẩn, dầu rửa bát, xà phòng, rác thải sinh hoạt, vật liệu xây dựng, nước thải sản xuất bún… thải ra cống tiêu nước đổ thẳng ra sông”. Có thể thấy nhiều yếu tố gây nên tình trạng ô nhiễm ở khúc sông Nhuệ đoạn chảy qua làng Phú Đô, và nước thải từ làm bún là một trong những tác nhân chính làm ô nhiễm môi trường nước nơi đây.  
   
  Theo kết quả khảo sát của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường – Đại học Bách khoa Hà Nội, thì mẫu nước thải tại hệ thống cống chung cuối làng có chứa hàm lượng BOD vượt tiêu chuẩn cho phép từ 3 - 4 lần, cặn lơ lửng, chất hữu cơ, nitơ, phốt pho trong nước thải rất cao gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng.
   
Đâu là lối thoát?
   
  Nói về những giải pháp của xã nhằm hạn chế, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở làng bún Phú Đô, bà Nguyễn Thị Hường cho biết, xã thường xuyên tuyên truyền, giáo dục người dân nâng cao ý thức tự giác bảo vệ môi trường, không vứt rác thải xuống ao, sông, thông qua đài phát thanh của xã, thôn, qua các cuộc họp thôn, họp giao ban xã đầu tuần. Đối với những hộ sản xuất bún, xã vận động sử dụng nước tiết kiệm, tận dụng nguồn nước thải cho chăn nuôi, lọc qua bể trước khi xả xuống cống. Bà Hường cũng bày tỏ mong muốn TP. Hà Nội sớm xem xét, dành một quỹ đất riêng để sản xuất bún tập trung, góp phần hạn chế những ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe người dân trong thôn.  
   
Ông Nguyễn Phương, một người dân sống lâu năm ở đây bày tỏ bức xúc: “Trước đây, chúng tôi có thể tắm, lội và bắt cá dưới khúc sông Nhuệ nhưng giờ thì không thể vì ô nhiễm nặng.
    
   
  Được biết mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã trình bày dự án đầu tư xây dựng một số nhà máy xử lý nước thải cho Hà Nội, trong đó có Nhà máy xử lý nước thải Phú Đô với diện tích 6 ha nằm tại thôn Phú Đô, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm. Theo đó, nước thải ở làng bún Phú Đô và một số làng nghề trong khu vực sẽ được tập trung về nhà máy để xử lý, sau đó mới xả ra sông, hồ. Người dân trong làng bún Phú Đô nói riêng và các làng nghề của TP. Hà Nội nói chung đang mong đợi các nhà máy xử lý nước thải đó nhanh chóng được đầu tư xây dựng.
   
  Bài & ảnh: Nguyễn Quyết Thắng