Bình Định: Tăng cường biện pháp phòng chống cúm gia cầm
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 17/02/2014
Trước hiện tượng gà chết hàng loạt tại một số địa phương thuộc huyện Tuy Phước, mặc dù xác định không phải do CGC gây ra nhưng...
Trước hiện tượng gà chết hàng loạt tại một số địa phương thuộc huyện Tuy Phước, mặc dù xác định không phải do CGC gây ra nhưng trước diễn biến phức tạp, khó lường của CGC hiện nay, Bình Định đang khẩn cấp tăng cường nhiều biện pháp phòng chống dịch CGC.
Theo nhận định của ngành chức năng, do thời tiết diễn biến phức tạp, cùng với mầm mống dịch bệnh vẫn còn, cộng với hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm tại một số địa phương trên địa bàn chưa được kiểm soát chặt chẽ nên nguy cơ CGC tái phát là rất cao.
Tiêm phòng CGC cho đàn vịt.
Đáng lo ngại là thời gian gần đây, một số hộ chăn nuôi có tâm lý chủ quan, không tuân thủ quy trình phòng chống dịch bệnh cho gia cầm, chỉ cho gia cầm uống vacxin chứ không tiêm như đã hướng dẫn, nên việc phòng chống dịch bệnh không hiệu quả.
Cụ thể vào giữa năm 2013, tại xã Phước Sơn (Tuy Phước) có 2 đàn gà mới nuôi của 2 hộ do chưa được tiêm phòng vacxin CGC nên đã phát bệnh chết, toàn bộ 221 con gà mắc bệnh nói trên đã được tiêu hủy. Nhờ kịp thời triển khai tiêm phòng CGC bao vây ổ dịch với hơn 43.000 con gà nên đã khống chế được dịch bệnh lây lan ra các khu vực lân cận. Và mới đây, trong thời gian giáp Tết Nguyên đán, một số đàn gà ở huyện Tuy Phước bị chết do mắc phải chứng bệnh Niucaxơn, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.
Trước tình hình trên, ngay thời điểm trước Tết, ngành thú y tỉnh đã cấp vacxin và tổ chức tiêm phòng khẩn cấp cho đàn gia cầm ở những địa phương có nguy cơ CGC tái phát cao với trên 1 triệu con gà, vịt được tiêm phòng.
Mới đây (ngày 10/2), lễ phát động đồng loạt ra quân tiêm vacxin phòng chống CGC đợt 1 năm 2014 cho đàn gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh được tổ chức tại xã Tây Vinh (Tây Sơn). Đợt tiêm này được thực hiện đến cuối tháng 2, sẽ có 90% tổng đàn gia cầm được tiêm.
Phun thuốc tiêu độc sát trùng chuồng nuôi gia cầm.
“Lực lượng thú y cơ sở được huy động toàn bộ để hỗ trợ người chăn nuôi tiêu độc, sát trùng chuồng trại và khu vực mua bán gia cầm tại các chợ; đồng thời phối hợp với ngành chức năng, chính quyền các địa phương, kiểm tra công tác phòng chống CGC, dịch bệnh gia súc tại các địa phương và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thu mua, giết mổ, tiêu thụ gia cầm tại các chợ”, ông Nguyễn Văn Quốc, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Bình Định, cho biết.
Theo ông Quốc, để công tác phòng chống CGC đạt hiệu quả, đảm bảo an toàn cho đàn gia cầm, bên cạnh sự nỗ lực của ngành thú y, rất cần sự tham gia của cộng đồng, nhất là đối với chính quyền, hội đoàn thể và người chăn nuôi tại các địa phương. Thực tế cho thấy, địa phương nào chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm thì nguy cơ xảy ra dịch bệnh thấp, người dân yên tâm đầu tư phát triển chăn nuôi.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam