Cảnh báo một “thảm họa” môi trường trên dãy Trường Sơn

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 12/02/2014

(TN&MT) - Dãy Trường Sơn đang đứng trước nguy cơ bị băm nát do những mục tiêu đơn lẻ của các ngành, các tỉnh, hoạt động thiếu một chiến lược quản lý...
(TN&MT) - Dãy Trường Sơn đang đứng trước nguy cơ bị băm nát do những mục tiêu đơn lẻ của các ngành, các tỉnh, hoạt động thiếu một chiến lược quản lý tổng hợp là sự cảnh báo sớm cho “thảm họa” môi trường trên dãy Trường Sơn và những vùng liên quan.
   
Hành lang xanh không thể thay thế
   
  Dãy Trường Sơn là hành lang xanh tự nhiên đối với các giống loài sinh vật. Với những gì còn lại, giá trị đa dạng sinh học trên dãy Trường Sơn vẫn làm ngạc nhiên nhiều nhà nghiên cứu. Theo phân tích của các nhà khoa học thì tài nguyên động vật rừng ở khu vực này rất đa dạng, phong phú. Cả khu vực sinh cảnh rừng kín, thường xanh mưa mùa như ở Khe Si, Khe Dẽ, Khe Nước lạnh, Khe Đá liếp..., các loài Khỉ, loài Voọc, Chà vá, Gấu, Lợn Rừng, Sơn Dương, Sao La, Mang Lớn, Mang thường Sọc đen... đã được ghi nhận ở đây. Bắc Trường Sơn bao gồm 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế. Đây là vùng được đánh giá cao về tính đa dạng sinh học nhất cả nước  với 132 loài thú, 28 họ và 11 bộ.
   
  Cũng từ đó, trên dãy Trường Sơn đã có 4 vườn quốc gia được thành lập (Bến En, Vũ Quang, Phong Nha - Kẻ Bàng, Bạch Mã) và 3 khu bảo tồn thiên nhiên (Pù Mát, Kẻ Gỗ, Pù Huống). Vào những năm cuối của thế kỷ XX, Bắc Trường Sơn đã đóng góp thêm vào sách Đỏ thế giới bằng việc phát hiện 4 loài thú mới là Sao la, Mang lớn, Mang Trường Sơn, Thỏ vằn, Cầy Giông Tây Nguyên. Vì thế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình là 3 tỉnh được đánh giá có khu hệ động vật mang tính đa dạng và phong phú cao nhất cả dãy Trường Sơn.
   
Văn hóa bản địa đặc sắc đã góp phần làm nên giá trị to lớn trên dãy Trường Sơn
    
   
  Trước sự đe dọa của biến đổi khí hậu thì đây là dãy núi không gì thay thế được. Dãy Trường Sơn làm chậm các tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu tạo ra. Thảm rừng trên Trường Sơn góp phần giảm nhẹ quá trình lũ lụt, hạn chế sự tàn phá của các cơn bão, làm chậm quá trình hạn hán… Với tổng diện tích 11 triệu ha rừng và đất tự nhiên, nếu chỉ tính 50% diện tích có rừng (cây thân gỗ) thì mỗi năm dãy Trường Sơn bẫy giữ được 22-25 triệu tấn CO2, góp phần đáng kể giảm hiệu ứng nóng lên toàn cầu mà không cần đầu tư gì nhiều ngoài nhiệm vụ bảo vệ rừng.
   
  Nhiều nhà khoa học quan ngại, kịch bản xấu nhất sẽ xảy ra nếu rừng Trường Sơn không được bảo vệ nghiêm ngặt, không tăng cường lực lượng, không có chế tài đặc thù cho lực lượng bảo vệ rừng nguy cơ mất rừng là hiển diện. Trong lúc đó tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng thì cuối thế kỷ 21 có thể sẽ khiến 22 triệu người Việt Nam sống ven biển mất nơi cư trú. Hàng chục triệu dân đó sẽ đi đâu về đâu nếu rừng Trường Sơn bị xâm hại?
   
Hướng tới một chiến lược quản lý tổng hợp
   
  Việc bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn, đặc biệt là đảm bảo an ninh môi trường nơi đây sẽ là một chiến lược thích ứng của Việt Nam và cả hai nước anh em trên bán đảo Đông Dương là Lào và Campuchia trước thảm họa biến đổi khí hậu.
   
  Chỉ riêng những sự kiện gần đây ở Việt Nam đã cho thấy việc phát triển đang băm nát dãy Trường Sơn cho những mục tiêu đơn lẻ của các ngành và các tỉnh. Quản lý chưa theo kịp với khai thác, sử dụng. Mâu thuẫn giữa các tỉnh cùng chia sẻ nguồn nước dãy Trường Sơn đang ngày càng mở rộng. Đơn cử như giữa Bình Định và Gia Lai trong thủy điện thượng nguồn sông Hà Thanh, giữa thủy điện trên sông Srepok với VQG Yokdon, giữa thủy điện và phát triển vùng hạ lưu sông Thu Bồn và Vu Gia tỉnh Quảng Nam,...
   
  Mâu thuẫn lợi ích giữa hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản thượng nguồn, giữa đắp hồ đập trên thượng nguồn với bảo vệ nguồn nước cho hạ lưu sông; mâu thuẫn giữa trồng cao su và rừng tự nhiên; mâu thuẫn giữa các khu bảo tồn thiên nhiên với hoạt động phát triển du lịch resort và khai thác lâm sản; sự tranh chấp chưa có hồi kết giữa Quảng Nam và Kon Tum trong bản quyền về loài sâm Ngọc Linh…. Thật khó thống kê hết những cảnh báo về việc phát triển manh mún, lợi chỗ này lại hại cho chỗ khác trên dãy Trường Sơn.
   
  Các chuyên gia của Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam nhận định, thực tế trên cho thấy càng phát triển theo kiểu “mạnh ai nấy làm” như hiện nay ở Trường Sơn Việt Nam thì sự nghiệp phát triển bền vững các tỉnh thuộc phạm vi dãy Trường Sơn nói chung và bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn nói riêng không thể đạt được mục tiêu. Hoạt động phát triển thiếu một cơ sở chiến lược quản lý tổng hợp trên toàn bộ dãy Trường Sơn như hiện nay là cảnh báo sớm cho thảm họa môi trường trên dãy núi này và những vùng liên quan dưới đồng bằng và ven biển. Đây là một chiến lược lớn cần có sự hợp tác, chỉ đạo, đầu tư của Chính phủ 3 nước Đông Dương, sự tham gia của các địa phương trong phạm vi dãy Trường Sơn, của các ngành, các tổ chức khoa học trong và ngoài nước và các cộng đồng địa phương.
   
  Có thể hiểu chiến lược là bao gồm tất cả các hoạt động, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, một mặt không thể có nhanh một chiến lược, mặt khác dẫu có chiến lược rồi thì khâu thực hiện cũng còn nhiều vấn đề. Vì vậy việc bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn cần được coi như một ưu tiên đi trước.
   
Phương Anh