Bảo vệ môi trường trong các HTX Nông nghiệp: Quen tự do, không lo ô nhiễm!

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 16/01/2014

(TN&MT) - Kinh tế tập thể với đặc trưng là mô hình Hợp tác xã nông nghiệp là khu vực có sự tham gia của nhiều ngành nghề, tập trung phần lớn ở nông thôn.
(TN&MT) - Kinh tế tập thể với đặc trưng là mô hình Hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) là khu vực có sự tham gia của nhiều ngành nghề, tập trung phần lớn ở nông thôn, vì vậy, vấn đề nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường (BVMT) ở các HTX NN đang trở nên rất cấp thiết.
   
Nỗi ám ảnh của nhiều địa phương
   
  Từ bao đời nay, thói quen ăn ở sinh hoạt của người dân nông thôn vẫn  theo kiểu tự cung tự cấp. Theo thời gian, chăn nuôi trang trại phát triển mạnh, kiểu chăn nuôi nhỏ lẻ mỗi gia đình không còn nhiều, nhưng với lối sinh hoạt tự do, người dân nông thôn vẫn không có thói quen gom rác lại để xử lý.
   
  Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, (Bộ TN&MT), chất thải rắn ở khu vực nông thôn phát sinh chủ yếu là chất thải sinh hoạt từ các hộ gia đình, nhà kho, chợ, trường học, bệnh viện, cơ quan hành chính… Ước tính, lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt nông thôn phát sinh khoảng 18,21 tấn/ngày tương đương với 6,6 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, việc thu gom CTR tại nông thôn chưa được coi trọng, nhiều thôn, xã, chưa có các đơn vị chuyên trách trong việc thu gom CTR nông thôn.
   
   
Cần tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về BVMT.
    
  Một số địa phương đã áp dụng các biện pháp thu gom rác thải sinh hoạt nhưng với quy mô nhỏ, phần lớn do hợp tác xã tự tổ chức thu gom, phương tiện thu gom còn rất thô sơ với các xe cải tiến chuyên chở về nơi tập trung rác. Mặt khác, hoạt động thu gom này không được diễn ra thường xuyên mà kết hợp với các đợt nạo vét kênh mương do xã phát động. Theo thống kê có khoảng 60% số thôn hoặc xã tổ chức thu dọn định kỳ, trên 40% thôn, xã đã hình thành các tổ thu gom rác thải tự quản. Tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt tại khu vực nông thôn mới đạt khoảng 40 - 55%. Do tỷ lệ thu gom chưa đáp ứng nhu cầu, nên rác vẫn tràn ngập khắp nơi công cộng, ao, hồ...
   
  Đáng chú ý, mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng 35.000 - 37.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật. Ước tính, lượng phân bón hóa học các loại (sử dụng cho lúa là 150 - 180 kg/ha) trung bình khoảng 2,4 triệu tấn/năm, trong đó có đến 50 - 70% không được cây trồng hấp thụ hết thải ra môi trường.
   
Xã hội hóa mô hình BVMT
   
  Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, hiện có khoảng 28,5 % HTX đã đăng ký thực hiện các báo cáo đánh giá tác động môi trường và 45,8% HTX đăng ký tiêu chuẩn cho phép về vệ sinh môi trường với các nội dung đăng ký như: giảm tiếng ồn, khí thải, nước thải, chất thải rắn, không làm ảnh hưởng tới các khu dân cư xung quanh và giữ vệ sinh môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh. Hiện có 26,45% HTX thực hiện việc trích lập quỹ bảo vệ môi trường. Việc thực hiện đóng góp phí bảo vệ môi trường cũng được nhiều HTX tuân thủ, trong đó có gần 36% HTX đóng góp phí trên 10 triệu đồng.
   
  Để giải quyết vấn đề môi trường trong việc huy động sức mạnh của chính cộng đồng, những năm qua, Liên minh HTX các cấp đã chú trọng đến việc hình thành các mô hình HTX chuyên sâu trong bảo vệ môi trường như: HTX môi trường, HTX thu gom và xử lý rác thải, HTX nước sạch nông thôn, HTX trong các làng nghề tham gia xử lý môi trường; đã có những mô hình thành công như HTX môi trường Thành Công (Hà Nội), HTX nước sạch Bình Tây (Tiền Giang), HTX môi trường Hiệp Hòa (Bắc Giang), HTX môi trường Chí Linh (Hải Dương),…
   
  Thông qua mô hình tổ hợp tác, HTX, phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường được đẩy mạnh, công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường đã được hình thành ở nhiều tỉnh, thành phố, nhiều điển hình tiên tiến trong công tác bảo vệ môi trường, các mô hình HTX tự quản về môi trường ở cộng đồng.
   
  Hiện nay, trong cả nước có 274 HTX dịch vụ bảo vệ môi trường, ngoài bảo vệ môi trường, các HTX dịch vụ môi trường còn tạo việc làm cũng như thu nhập và đảm bảo đời sống cho hàng chục nghìn lao động mà chủ yếu là người nghèo, người yếu thế, góp phần vào chiến lược quốc gia về xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững. Tuy nhiên, số lượng loại hình HTX môi trường chỉ dừng lại ở vận chuyển và cung cấp nước sạch, thu gom và vận chuyển rác thải chiếm tỷ lệ cao.
   
  Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình xã hội hóa rất cần cơ chế hỗ trợ, và nguồn lực thực tiễn tại các địa phương. Do vậy, theo các chuyên gia, để phát huy vai trò của mô hình HTX trong công tác bảo vệ môi trường, cần ưu tiên công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức dưới nhiều hình thức khác nhau (tập huấn, hội nghị, tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng, in và phát hành tờ rơi, tài liệu tuyên truyền,….).
   
  Đồng thời, tăng cường nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất thông qua nguồn vốn vay ưu đãi để các HTX đổi mới trang thiết bị, máy móc công nghệ ít gây ô nhiễm môi trường phục vụ sản xuất kinh doanh, thay thế dần công cụ thủ công, lạc hậu, đồng thời đẩy mạnh đa dạng hóa các nguồn đầu tư từ ngân sách hoạt động bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư nhằm phát triển các mô hình HTX môi trường.
   
Phương Anh