Nghiên cứu sử dụng hợp lý đất phèn vùng đồng bằng sông Cửu Long, tạo thế mạnh phát triển kinh tế vùng
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 24/12/2013
(TN&MT) - Bộ TN&MT đã phê duyệt đề tài Nghiên cứu sử dụng hợp lý đất phèn đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH (BĐKH 57).
(TN&MT) - ĐBSCL có diện tích tự nhiên khoảng 4 triệu ha, trong đó có 1,68 triệu ha đất phèn (chiếm 44% diện tích chung) tập trung ở Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên. Đất phù sa có 1,16 triệu ha (chiếm 30%) tập trung dọc theo hai bờ sông Tiền và sông Hậu. Đất mặn ven biển có 0,7 triệu ha (chiếm 18%), trồng rừng ngập mặn và các loại đất khác chiếm 8%. ĐBSCL nằm trong vùng khí hậu ôn hòa. Những năm gần đây, do ảnh hưởng BĐKH lên vùng đất này bị ngập mặn khá nhiều, giảm sản lượng năng suất cây trồng, vật nuôi.Chính vì vậy, Bộ TN&MT đã phê duyệt đề tài Nghiên cứu sử dụng hợp lý đất phèn đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH (BĐKH 57).
Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, từ năm 2001-2010, năng suất lúa vùng ĐBSCL tăng từ 4,3 tấn/ha lên 6,3 tấn/ha, nâng sản lượng từ 16 triệu tấn lên 21,6 triệu tấn. Hằng năm, xuất khẩu trên 6 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch trên 3 tỉ USD, chiếm khoảng 90% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Cây ăn trái phát triển nhanh đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với nhu cầu thị trường, một số giống đã có thương hiệu như xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi, vú sữa Lò Rèn…
Đến cuối năm 2010, toàn vùng có hơn 400.000 ha cây ăn trái, chiếm 40% diện tích cả nước, đạt 3,5 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với năm 2001, chiếm khoảng 70% sản lượng trái cây cả nước.
Ngoài ra, ĐBSCL là vùng nuôi, đánh bắt thủy sản lớn nhất nước, chiếm 70% diện tích nuôi, 58% sản lượng thủy sản cả nước.
Trong những năm qua, cơ cấu sản xuất trong ngành thủy sản chuyển biến theo hướng tăng tỉ trọng nuôi trồng từ 236.200 ha năm 2001 lên 736.400 ha năm 2010, sản lượng từ 444.000 tấn lên 1,9 triệu tấn, tăng 4,4 lần. Trong đó xuất khẩu cá tra, tôm trở thành những ngành kinh tế chiến lược của quốc gia.
Trong khi đó, các mô hình dự báo tác động của biến đổi khí hậu ở vùng ĐBSCL cho thấy xu thế lũ trong giai đọan 2030-2040 sẽ khác đi so với hiện nay: diện tích vùng ĐBSCL bị ngập sẽ mở rộng hơn về phía Bạc liêu-Cà Mau nhưng số ngày chịu ngập các tỉnh đầu nguồn giảm; nhiệt độ gia tăng, lượng mưa giảm, diện tích lũ mở rộng và nước biển dâng cao. Điều này làm biến đổi sâu sắc các hệ sinh thái trồng lúa theo hướng xấu đi: suy thoái độ phì do ít lũ và phù sa đầu nguồn, tăng nhiễm mặn và ngập úng hạ lưu. Như vậy biến đổi khí hậu cùng với đập thủy điện đầu nguồn là hai nguyên nhân chính làm suy thoáii độ phì, tăng diện tích ngập lũ, nhiễm mặn ở hạ nguồn, tăng nguy cơ hạn hán do thiếu mưa, ít lũ và nhiệt độ cao.
Trước thực trạng này, đề tài nghiên cứu khoa học yêu cầu Xác định được mức độ và quy mô thay đổi tính chất phèn ở Đồng bằng Sông Cửu Long theo kịch bản biến đổi khí hậu; Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu trên vùng đất phèn ở đồng bằng sông Cửu Long; Xây dựng các mô hình trình diễn canh tác thích ứng BĐKH trên vùng đất phèn ở đồng bằng SCL; Dự thảo Sổ tay hướng dẫn sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH trên vùng đất phèn ở đồng bằng SCL.
Thanh Thư