Góp ý Dự thảo Luật Tài nguyên và môi trường biển, hải đảo: Thống nhất cao về sự cần thiết phải có Luật

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 10/12/2013

Sáng 9/12, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Tài nguyên và môi trường biển, hải đảo.
    
(TN&MT) - Đa số các đại biểu tham dự Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Tài nguyên và môi trường biển, hải đảo do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng 9/12 thống nhất cao về sự cần thiết phải có đạo luật quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên môi trường biển mà Bộ TN&MT trình bày. Tới dự và chủ trì Hội thảo có Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển, Phó Chủ nghiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ của Quốc hội Võ Tuấn Nhân cùng đông đảo các đại biểu đến từ Ban Kinh tế Trung ương, các Bộ Công Thương, Ngoại giao, Xây dựng và các Tổng cục thuộc Bộ.
    
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển phát biểu tại Hội thảo
     
    
   Thực hiện nhiệm vụ chủ trì soạn thảo các Dự án luật pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật và pháp luật 2014 do Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tập trung hoàn chỉnh Dự án Luật Tài nguyên và môi trường biển, hải đảo trình Chính phủ theo đúng thời gian dự kiến. Dự án luật này là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường biển và hải đảo theo phương thức tổng hợp, thống nhất trên cơ sở tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước. Những nội dung điều chỉnh của Dự án Luật rất mới mẻ đối với Việt Nam và khá phức tạp, liên quan đến nhiều Bộ, ngành và các địa phương ven biển đang được giao quản lý hoạt động khai thác, sử dụng các dạng tài nguyên, bảo vệ và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo.
    
   Theo đó, Dự thảo Dự án Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo quy định gồm 10 Chương, trong đó quy định nhiều vấn đề quan trọng như: Chiến lược, quy hoạch sử dụng biển, Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Quản lý khai thác sử dụng biển quản lý các hải đảo; Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển; Hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học về quản lý tổng hợp thống nhất biển và hải đảo; Trách nhiệm quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên môi trường biển và hải đảo; Kiểm tra giám sát và các điều khoản thi hành. Dự thảo Luật cũng dành 1 chương để giải thích các từ ngữ, phạm vi cũng như những nội dung quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất biển, hải đảo.
    
   Các đại biểu tham dự Hội thảo đã hoàn toàn tán thành nội dung, đề cương mà Dự thảo  Dự án Luật đưa ra, đồng thời cũng gợi ý cần có phương án trình bày cũng như làm rõ một số nội dung quan trọng trong các quy định cũng như điều khoản thi hành như: Quản lý tài nguyên môi trường biển về mặt nhà nước đã rõ, song về mặt xã hội như thế nào khi còn liên quan tới các tổ chức và vấn đề quốc tế; quy chế phối hợp liên ngành, liên vùng như thế nào để thực hiện được quản lý tổng hợp thống nhất biển, hải đảo; Khai thác hiệu quả và bền vững tài nguyên môi trường biển, hải đảo là ai khai thác, nhà nước, cá nhân hay các tổ chức và cho dù là ai cũng cần quy định phải vì lợi ích chung, đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu…
    
   Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển cảm ơn những đóng góp quý báu, các ý kiến đã được đề cập đến tại Hội thảo lần này để Bộ TN&MT nói chung, Tổng cục Biển và hải đảo nói riêng có điều kiện hoàn chỉnh hơn Dự án luật quan trọng này để trình Quốc Hội xem xét vào tháng 6 năm 2014.
    
Kim Liên