Cam kết bảo vệ môi trường: Hiểu sao cho đúng?
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 05/12/2013
Cam kết bảo vệ môi trường (CKBVMT) được xem là công cụ góp phần hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT của các doanh nghiệp.
(TN&MT) - Cam kết bảo vệ môi trường (CKBVMT) được xem là công cụ góp phần hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay công cụ này vẫn chưa được hiểu một cách thống nhất và chuẩn xác, gây nên nhiều bất cập trong công tác thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường.
Nhiều bất cập
Cam kết bảo vệ môi trường thực chất là dạng đơn giản của Đánh giá tác động môi trường, vì vậy đối tượng phải thực hiện Cam kết bảo vệ môi trường phải là một dự án (có quy mô nhỏ và quy mô hộ gia đình), vị trí của Cam kết bảo vệ môi trường trong tiến trình phát triển kinh tế – xã hội cũng chính là vị trí của Đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, theo cách viết tại Điều 24 Luật Bảo vệ Môi trường 2005, nhiều tổ chức, cá nhân đã và đang hiểu Cam kết bảo vệ môi trường áp dụng cả với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình. Mặt khác, các văn bản quy phạm hiện hành cũng không quy định rõ thế nào là một dự án hay một cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình. Hệ quả là quá nhiều đối tượng phải thực hiện Cam kết bảo vệ môi trường một cách không đúng và không cần thiết.
Không ít các doanh nghiệp phớt lờ quy định về BVMT
Mặt khác, thực tế nhiều doanh nghiệp đã không thực hiện đầy đủ cam kết như trong báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Thống kê hàng năm Bộ TN&MT nhận được khoảng 100-200 hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo ĐTM. Còn ở các địa phương thì số lượng rất khác nhau, có nơi ít, nhưng cũng có nơi thẩm định tới 100-200 hồ sơ/năm. Thực tế thẩm định báo cáo ĐTM thời gian qua cho thấy không ít bất cập. Chưa có sự phối hợp giữa chủ dự án và đơn vị tư vấn trong quá trình thực hiện ĐTM. Thậm chí, nhiều trường hợp chủ đầu tư đã giao khoán, phó mặc cho tư vấn thực hiện ĐTM trong khi trách nhiệm pháp lý với nội dung báo cáo ĐTM là thuộc chủ dự án. Điều này dẫn đến nội dung tư vấn đôi khi không thống nhất, thậm chí không phù hợp với nội dung của dự án. Các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường chỉ mang tính đối phó, trong khi thành phần hội đồng thẩm định ở nhiều địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến chất lượng thẩm định còn hạn chế…
Chỉ tính trong 5 năm qua, đã có khoảng 50 dự án không được Hội đồng thẩm định của Bộ TN&MT thông qua do nội dung báo cáo ĐTM chưa đưa ra được những biện pháp thích đáng để phòng ngừa, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Thông qua công tác thẩm định báo cáo ĐTM, một số dự án đầu tư đã phải thay đổi địa điểm, điều chỉnh công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường. Hàng loạt dự án khác bị từ chối vì không đáp ứng được các yêu cầu về BVMT.
Đề xuất bỏ hình thức lập bản cam kết
Cũng do xuất phát từ cách hiểu sai lệch về bản chất của CKBVMT nên thời gian gần đây, một số ý kiến khi góp ý cho Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi đã đề xuất bỏ hình thức lập bản CKBVMT mà thay vào đó là lập Kế hoạch bảo vệ môi trường. Dự thảo 5 Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi cũng đã hiện thực hóa sự thay đổi này.
Theo Luật BVMT 2005, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc nhóm phải lập ĐTM và hộ gia đình phải lập CKBVMT. Trên thực tế, việc lập CKBVMT rất khó thực hiện, có tính lý thuyết và hình thức, gây khó khăn cho các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến những biểu hiện tiêu cực trong công tác kiểm tra, thanh tra, xử phạt.
Mặt khác, với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải lập ĐTM, sau khi hậu thẩm định, chưa có công cụ quản lý môi trường có tính tổng hợp để giúp chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ làm tốt công tác BVMT và cơ sở pháp lý cho công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt khi đã có những thay đổi trong quy trình sản xuất và thay đổi các quy định pháp lý về môi trường.
Vì vậy, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) đã loại bỏ CKBVMT, quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sau khi hậu thẩm định phải lập KHBVMT; các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ không thuộc nhóm phải lập ĐTM thì lập KHBVMT.
Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) quy định KHBVMT bao gồm các hoạt động theo dõi, giảm thiểu, xử lý ô nhiễm môi trường, ứng phó sự cố môi trường và tuân thủ các quy định pháp luật về BVMT. Các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm lập KHBVMT và thực hiện kế hoạch đó theo hướng dẫn của Bộ TN&MT. Không có quy định về thẩm định và phê duyệt KHBVMT để tăng tính chủ động và linh hoạt của các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các hộ gia đình.
Có một số ý kiến cho rằng, cần thay đổi những quy định về CKBVMT để bảo đảm tính thực thi, hiệu quả hơn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường; thay CKBVMT bằng ĐTM đơn giản; không ủy quyền cho UBND cấp xã phê duyệt CK-BVMT.
Với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát huy trách nhiệm, chủ động và linh hoạt trong công tác BVMT, chúng tôi đề xuất quy định về trách nhiệm lập KHBVMT đối với mọi cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Kế hoạch này do chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lập trên cơ sở văn bản hướng dẫn cụ thể của Bộ TN&MT, phù hợp với từng loại hình sản xuất có tác động đến môi trường. Kế hoạch không được phê duyệt nhưng phải được làm đúng hướng dẫn, công khai tại nơi sản xuất, gửi cho cơ quan quản lý nhà nước môi trường để theo dõi, đánh giá. KHBVMT cũng là công cụ cho công tác kiểm tra và thanh tra của các cơ quan quản lý nhà nước.
Thiên Trường