Giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu tại các khu vực ven biển Việt Nam
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 29/11/2013
(TN&MT) - Ngày 28/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo tổng kết dự án “Phát triển và thực hiện các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu tại các khu vực ven...
(TN&MT) - Ngày 28/11, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Cục Khảo sát Địa chất Phần Lan tổ chức Hội thảo tổng kết dự án “Phát triển và thực hiện các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu tại các khu vực ven biển Việt Nam” (VIETADAP). Đây là Dự án được thực hiện thí điểm tại thành phố Thanh Hóa và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong 2 năm (2011-2013).
Bà Hirvonnen Katja, Đại sứ quán Phần Lan cho biết: Dự án VIETADAP đã đào tạo cho các chuyên gia của Việt Nam trong lĩnh vực mô hình hóa, đánh giá tác động môi trường, mức độ tổn thương. Dự án cũng đã xây dựng và hỗ trợ các giải pháp thích ứng BĐKH tại các địa phương thông qua quá trình hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan.
Bà Nguyễn Thị Hạ, Giám đốc Trung tâm Quan trắc và Dự báo Tài nguyên nướcphát biểu
ánh giá kết quả thực hiện của dự án, PGS. TS. Nguyễn Văn Thắng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường cho biết: Các hoạt động của dự án VIETADAP đã đánh giá được tác động của biến đổi khí hậu đến phát triển kinh tế-xã hội, tập trung vào tài nguyên nước dưới đất, nước mặt và môi trường, đóng góp tích cực vào việc tăng cường năng lực quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu ở hai tỉnh Thanh Hóa và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Kết quả nghiên cứu cũng xác định các vùng dễ bị tổn thương và những rủi ro đối với nguồn nước mặt và nước ngầm cho các khu vực do biến đổi khí hậu.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, các kết quả đạt dược của dự án sẽ cung cấp thông tin cần thiết hỗ trợ địa phương trong việc xây dựng và triển khai các hoạt động ứng phó với BĐKH và nước biển dâng; đồng thời góp phần điều chỉnh, xây dựng và lồng ghép vấn đề BĐKH vào các chương trình, kế hoạch, quy hoạch và nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH cho địa phương.
Quang cảnh Hội thảo
Bà Nguyễn Thị Hạ, Giám đốc Trung tâm Quan trắc và Dự báo Tài nguyên nước, dự án VIETADAP đã cung cấp thông tin cần thiết hỗ trợ cho địa phương trong việc xây dựng và triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, như đánh giá mức độ xâm nhập mặn, tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước ở Thanh Hóa, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Các kết quả tính toán được cho thấy ứng với các kịch bản nước biển dâng năm 2020 thì mặn xâm nhập vào sông Mã khoảng 28km và 24km đối với sông Lèn; còn xâm nhập mặn ở Bà Rịa-Vũng Tàu có độ tăng mực nước biển không có nhiều khác biệt so với năm 2009, ranh giới mặn là 9% vượt qua ranh giới tỉnh và dừng ở ranh giới mặn 10%, nhưng đến năm 2100 ranh giới mặn sẽ là 11 %...
Bên cạnh đó, dự án góp phần điều chỉnh, xây dựng và lồng ghép các vấn đề biến đổi khí hậu vào các chương trình, kế hoạch, quy hoạch phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu trong tương lai.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận những kết quả nghiên cứu các tác động của biến đổi khí hậu đến các lĩnh vực ngành của nhóm thực hiện dự án, đồng thời đề xuất các giải pháp thích ứng và các dự án ưu tiên trong giai đoạn 2013-2020.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Đó là cần tổ chức thêm các khóa đào tạo, các buổi tập huấn để nâng cao hiểu biết về tác động của biến đổi khí hậu và các biện pháp thích hợp, để kết quả các hoạt động của dự án được ứng dụng có hiệu quả trong thực tế.
Ngoài ra cần xây dựng các quy hoạch nước dưới đất (khai thác sử dụng, bảo vệ và phòng chống tác hại do nước gây ra); xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp tài nguyên nước trên quy mô lưu vực, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng sử dụng nước, chính sách khuyến khích sử dụng tiết kiệm nước; xây dựng mạng lưới quan trắc tài nguyên nước dưới đất; nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn làm giảm khả năng nhiễm mặn nước dưới đất…
Hiện Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trước tình hình thay đổi và mực nước biển dâng.
Đồng thời, biến đổi khí hậu cũng làm ảnh hưởng sâu sắc đến nguồn tài nguyên nước, dẫn đến ảnh hưởng dòng chảy, lưu lượng đỉnh lũ, độ bốc thoát hơi đều tăng khiến nguồn nước ngọt cũng giảm đi đáng kể.
Bài và ảnh: Thúy Hằng