Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai: Cần sớm có quy hoạch chi tiết
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 17/11/2013
Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai vừa tổ chức phiên họp lần thứ 6 tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Ngày 15/11, tại Đà Lạt, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã tổ chức phiên họp lần thứ 6 nhằm đánh giá tình hình triển khai, đồng thời đưa ra những giải pháp để giúp môi trường nước của sông tránh khỏi sự ô nhiễm ngày càng tăng do tác động và sức ép của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; Ông Lê Thanh Cung - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai; Ông Bùi Cách Tuyến - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai cùng chủ trì hội nghị.
Lưu vực sông Đồng Nai nằm trên vùng đất liên quan đến 11 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó có 7 tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận và Lâm Đồng. Đây là một trong những khu vực phát triển kinh tế - xã hội quan trọng nhất của cả nước hiện nay. Nguồn nước hệ thống sông Đồng Nai có tầm quan trọng đặc biệt đối với các tỉnh, thành phố trên lưu vực trong giai đoạn phát triển hiện nay. Trong số nhiều chức năng quan trọng của hệ thống sông Đồng Nai, quan trọng hơn cả là chức năng cung cấp nước sinh hoạt của hàng triệu người dân đang sinh sống ở các khu đô thị và khu công nghiệp tập trung của vùng hạ lưu. Tuy nhiên, trước tốc độ phát triển nhanh, nguồn nước của hệ thống lưu vực sông đã và đang bị ô nhiễm cục bộ, tập trung phần lớn tại các điểm chảy qua các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và đô thị.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Môi trường thì hiện tại tổng nguồn thải chính trên sông Đồng Nai là trên 300 nguồn thải, trong đó Tp.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương là những địa phương có nguồn thải nhiều; thấp nhất là Tây Ninh chỉ có 11 nguồn thải; Lâm Đồng, Bình Phước nằm ở mức trung bình với 17 nguồn thải.
Theo điều tra của các địa phương trong hệ thống lưu vực sông Đồng Nai, tại khu vực thượng lưu, trên địa bàn các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, sự ô nhiễm có tăng nhưng không đáng kể. Nước ở các sông, suối nhỏ có các chất ô nhiễm cao hơn ở các sông lớn, do bị ảnh hưởng trực tiếp từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Mức độ ô nhiễm nặng của nguồn nước sông Đồng Nai có xu hướng gia tăng về phía hạ lưu nơi tập trung nhiều khu công nghiệp và các đô thị đông dân cư, kết quả kiểm tra cho thấy nhiều điểm đã có sự ô nhiễm hữu cơ và ô nhiễm dinh dưỡng.
Tính riêng trong hai năm 2012 -2013, 11 tỉnh, thành phố trong lưu vực sông Đồng Nai đã xử lý hàng ngàn doanh nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng với số tiền trên 18 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, thông qua nhiều nguồn vốn, cũng đã có trên 100 chương trình, dự án đầu tư vào cải thiện môi trường, gồm: xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, cải tạo nạo vét dòng chảy để hạn chế đến mức tối đa sự ô nhiễm của nguồn nước sông Đồng Nai.
Hệ thống sông Đồng Nai là một trong ba hệ thống sông lớn nhất của Việt Nam (sau sông Mê Kông và sông Hồng), lưu vực của sông lại là vùng kinh tế trọng điểm phía nam, một trong những khu vực phát triển KT-XH quan trọng nhất của cả nước, vì vậy việc bảo vệ môi trường trong hệ thống lưu vực của sông có ý nghĩa hết sức quan trọng. Theo nhiều ý kiến tại đại hội thì vấn đề quy hoạch phải được đặt lên hàng đầu; thêm vào đó vấn đề thiếu kinh phí cho các chương trình, dự án bảo vệ môi trường sông cũng hết sức đáng lưu tâm.
Ông Nguyễn Trung Hòa - Vụ trưởng Vụ KHCN&MT Bộ Xây dựng: Việc cần làm trước mắt là phải đầu tư xây dựng các cơ sở thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại, hạn chế tối đa các nguồn thải trực tiếp ra sông, đồng thời, phân tích đánh giá lại năng lực của các công trình đang hoạt động để kịp thời xử lý. Ngoài ra, cần phải huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư cho các địa phương. Đại tá Phan Hữu Vinh - Phó Cục trưởng Cục cảnh sát PCTP về Môi trường (Bộ Công an): Hệ thống lưu vực sông Đồng Nai hiện có 103 khu công nghiệp và trên 85.000 doanh nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất đang hoạt động. Chỉ tính riêng trong hai năm vừa qua, chúng tôi đã xử lý 1.750 vụ vi phạm về ô nhiễm môi trường. Hiện nay, các công ty, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh luôn tìm cách đối phó với cơ quan chức năng và ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi hơn để vi phạm pháp luật, vì vậy rất khó phát hiện. Nhiều công ty còn sẵn sàng chấp nhận nộp phạt bởi chế tài xử phạt hành chính còn nhẹ để đỡ đầu tư lớn vào việc xây dựng hệ thống xử lý nước và chất thải. Ông Lê Dương Quang - Thứ trưởng Bộ Công Thương: Thủy điện không có lỗi và không phải là nguyên nhân dẫn đến việc thay đổi môi trường sinh thái hay ô nhiễm cho sông Đồng Nai. Bên cạnh việc thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, của vùng thì các hồ chứa nước của thủy điện còn là nơi cung cấp, tích trữ nguồn nước ngọt cho tương lai bởi hiện nay 67% nguồn cấp nước của Việt Nam đều nằm ở nước ngoài. Và khi điện gió, mặt trời, hạt nhân còn chưa phát triển, nhiện điện sắp hết nguyên liệu thì thủy điện vẫn là nguồn năng lượng sạch và cần thiết. Hiện nay, qua kiểm tra rất nhiều nhà đầu tư vì ham lợi nên đã bỏ qua rất nhiều khâu so với thiết kế trình dự án, vì vậy các địa phương và bộ ngành liên quan cần phải xiết chặt hơn nữa vấn đề quản lý dự án cũng như không được buông lỏng vấn đề giám sát và quy hoạch. |
Theo Báo Lâm Đồng