Hà Nam: Sông Châu Giang ô nhiễm nặng

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 23/10/2013

Nước sông Châu Giang đoạn chảy qua một số xã thuộc các huyện Duy Tiên, Bình Lục và Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân...
Mấy ngày nay, nước sông Châu Giang đoạn chảy qua một số xã thuộc các huyện Duy Tiên, Bình Lục và Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) bị ô nhiễm nặng, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân trong khu vực. 
  Anh Lê Xuân Chiến, người dân xã Tiên Phong (huyện Duy Tiên), cho biết, hai ngày nay, con gái anh cùng các học sinh trường THPT xã Châu Sơn, phân hiệu tại xã Tiên Phong (nằm gần sông), đã được nhà trường cho nghỉ sớm hai tiết học do không thể chịu được mùi hôi thối bốc lên từ dưới sông, đặc biệt là mùi cá chết. 
   
Một khúc sông Châu Giang
   
    Còn anh Lê Văn Biên, là người dân trong xã, cho biết trong mấy ngày hôm nay, gia đình anh khốn khổ vì phải hít thở mùi hôi thối từ sông thổi vào. Nhiều hộ dân, nhất là những gia đình nhà nằm gần sông, có lúc phải đóng cửa, tạm thời rời đi nơi khác vì “nhức đầu không thể chịu nổi”. 
    Xã Tiên Phong có ba mặt giáp với sông Châu Giang. Đây là con sông thuộc hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình, nhánh phía Bắc được nối với sông Nhuệ tại khu vực thị trấn Hoà Mạc, huyện Duy Tiên. Theo ông Trần Quốc Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Phong, từ năm 2006 đã bắt đầu có hiện tượng sông bị ô nhiễm khi nước từ đầu nguồn xả về, nhưng chưa lần nào nghiêm trọng như lần này. Ông Thắng cho rằng, có lẽ do trục trặc ở cụm công trình thủy lợi đầu mối Tắc Giang – Phủ Lý, vốn được xây dựng để điều hòa nước cho khu vực và là nơi “pha loãng” nước ô nhiễm từ phía thượng nguồn trước khi đổ về phía hạ lưu, cộng với mực nước sông thấp trong những ngày qua, nên mức độ ô nhiễm mới nghiêm trọng như vậy. 
    Bên cạnh đó, nước sông ô nhiễm khiến cá do các hộ dân nuôi dọc con sông bị chết hàng loạt. Sau một số ngày, xác cá bốc mùi hôi thối, tanh tưởi, khiến người dân càng thêm khốn khổ. 
    Theo quan sát của phóng viên, dọc bờ sông, đoạn chảy qua xã Tiên Phong cũng như các xã Đọi Sơn (huyện Duy Tiên), Văn Lý (huyện Lý Nhân) và Đinh Xá (thành phố Phủ Lý), có khá nhiều đăng, lưới được người dân dựng lên để nuôi cá. Theo ông Thắng, riêng ở xã Tiên Phong, trước đây, các hộ dân trong xã giăng khoảng 50 đăng cá. Tuy nhiên, do hiện tượng sông bị ô nhiễm nhiều lần, cá bị chết nhiều, nên người dân đã dừng đầu tư lớn, nhiều người bỏ nghề. Số còn lại phần lớn tận dụng số đăng có sẵn nuôi nhỏ lẻ, số lượng ít hơn trước nhiều. Trong những ngày qua, tổng số cá bị chết của các hộ dân trong xã vào khoảng 20 tấn. Đó là chỉ tính số cá bị chết nổi lên, thường là cá mè, còn cá trôi và cá trắm khi chết thường chìm xuống, chưa thống kê được. Hộ anh Ngô Văn Thiệu chịu thiệt hại nhiều nhất, gần 4 tấn, trị giá khoảng 60 triệu đồng. 
    Trao đổi với phóng viên, ông Thắng cho biết các hộ dân nuôi cá mang tính tự phát. Để đảm bảo lưu thông cho nước sông cũng như an toàn giao thông đường thủy, chính quyền xã đã yêu cầu các hộ dân tuân thủ luật giao thông đường thủy, lập đăng, lưới không quá 15 mét tính từ bờ. Hiện xã chỉ còn khoảng 11 đăng nuôi cá.   Nước sông nhiều lần bị ô nhiễm, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Xã đã kiến nghị lên cấp trên nhiều lần, nhất là tại những buổi tiếp xúc cử tri có sự tham dự của các đại biểu Quốc hội tỉnh, nhưng vẫn chưa được giải quyết. Không chỉ bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối, người dân nơi đây còn lo ngại nước ngầm mà họ sử dụng hàng ngày rất có thể cũng bị ảnh hưởng.
  Hoàng Nhương