Ứng phó với biến đổi khí hậu: Bất cập trong xây dựng âu thuyền ở Thừa Thiên - Huế

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 14/10/2013

Việc xây dựng âu thuyền tại Thừa Thiên - Huế đang tồn tại bất cập: Âu thuyền to nhưng chỉ đón được tàu nhỏ vào tránh trú bão.
Việc xây dựng âu thuyền tại Thừa Thiên - Huế đang tồn tại bất cập: Âu thuyền to nhưng chỉ đón được tàu nhỏ vào tránh trú bão. Số là, các âu thuyền tránh trú bão ở Thừa Thiên - Huế đều xây dựng trên phá Tam Giang, cách xa các cửa biển; trong khi luồng lạch trên phá hết sức phức tạp, luôn bị bồi lấp hàng năm khiến cho các tàu, thuyền có công suất lớn ra vào dễ bị mắc cạn. 
   
Các âu thuyền hiện tại chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu của bà con ngư dân Thừa Thiên - Huế
   
  Đơn cử tại khu neo đậu tàu thuyền Phú Hải, xã Phú Hải, huyện Phú Vang, có quy mô 500 chiếc tàu, thuyền tránh bão cùng lúc. Đây là công trình tránh trú bão lớn và hiện đại nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế, được đưa vào sử dụng từ tháng 9/2011, có vốn đầu tư 42 tỷ đồng, do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư. Do vị trí khu neo đậu này nằm cách cửa Thuận An rất xa; luồng lạch ra, vào khu neo đậu tàu, thuyền dích dắc, có nơi chỉ có mực nước sâu 0,5m; trong khi, theo kinh nghiệm của ngư dân luồng lạch phải có mực nước sâu đến 3m tàu thuyền mới đi lại thuận tiện. Vì vậy, dù công trình có quy mô 500 tàu, thuyền công suất từ 20CV trở lên neo đậu nhưng trong cơn bão số 10 vừa qua, theo quan sát của chúng tôi chỉ có không đến 150 chiếc; còn rất xa so với mục tiêu đặt ra. Nhiều tàu, thuyền không thông thạo địa hình, luồng lạch không dám vào bởi rất dễ bị mắc cạn. Nếu mắc cạn thì phải mất nhiều giờ mới khắc phục xong. 
   Cùng với khu neo đậu tàu thuyền Phú Hải, cảng cá Tư Hiền cũng nằm trong tình trạng tương tự. Ngoài chức năng là một cảng cá, Tư Hiền còn có chức năng làm nơi neo đậu tàu thuyền và trú tránh bão, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 50 tỷ đồng, do Bộ Chỉ huy Quân sự làm chủ đầu tư. Thế nhưng một nghịch lý ở đây đang xảy ra mà nhiều ngư dân cho biết là do luồng lạch cạn, bị bồi lấp nên hầu hết tàu, thuyền không thể vào cập cảng mà phải đậu ngoài cửa biển Tư Hiền. Trong cơn bão số 10 vừa qua, số tàu, thuyền vào neo đậu ở đây chỉ lác đác vài chiếc. Nhiều chủ phương tiện cho hay, ngay cả các phương tiện đánh bắt cá từ biển về cũng phải ở ngoài lạch cửa biển rồi mới chuyển cá vào cảng Tư Hiền để bán, mất thời gian và tốn kém thêm chi phí, đừng nói tới việc tránh trú bão. 
  Thiết nghĩ, chính quyền các cấp trong tỉnh Thừa Thiên - Huế cần quan tâm đến thực tế này, bởi đã đầu tư được âu thuyền, thì việc khơi thông luồng lạch là điều cần phải làm tiếp nếu không muốn công trình để bị lãng phí...
  Quốc Việt