Mục sở thị các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tại Hà Tĩnh: Dịch bệnh chực chờ

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 01/10/2013

(TN&MT) -Việc quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Hà Tĩnh lâu nay đang gặp nhiều khó khăn, dường như nằm ngoài vòng kiểm soát.
   
(TN&MT) -Việc quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Hà Tĩnh lâu nay đang gặp nhiều khó khăn, dường như nằm ngoài vòng kiểm soát. Công tác quản lý giết mổ nhìn chung chưa đảm bảo vệ sinh thú y, tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm trái phép diễn ra tràn lan. Và chính những điểm giết mổ này đang là mối tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch.
   
   
Người dân lơ là công tác phòng dịch
   
  Qua khảo sát thực tế tại một số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Hà Tĩnh, điều dễ thấy mà chúng thu thập được là tình trạng buôn bán và giết mổ không qua kiểm định về chất lượng vẫn hoạt động ngang nhiên. Một đặc điểm chung là điều kiện giết mổ rất mất vệ sinh. Các sản phẩm gia súc, gia cẩm đặt dưới sàn, lông, nội tạng bỏ vương vãi khắp nơi, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Điều đáng lo ngại hơn nữa là hầu hết các điểm giết mổ này gần như chưa bao giờ quan tâm đến công tác vệ sinh phòng dịch.
   
  Tại thành phố Hà Tĩnh, dù đã có cơ sở giết mổ gia súc tập trung được đầu  tư  bài bản nhưng tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm tràn lan vẫn còn khá phổ biến. Ông Nguyễn Văn Sơn- Trưởng trạm thú y thành phố Hà Tĩnh cho rằng: Dù thành phố đã đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tập trung nhưng việc quản lý tình trạng giết mổ gia súc gia cầm tại các chợ được xem là khâu khó.
   
  Theo điều tra của phóng viên, lò giết mổ tập trung của thành phố Hà Tĩnh hàng ngày có hàng trăm con gia súc(chủ yếu là lợn, bò) được giết mổ, phục vụ người dân trên địa bàn. Ngoài giết mổ gia súc do người dân mang đến, ở lò mổ này còn giết mổ gia súc được các chủ hàng thuê địa điểm, tập trung tại lò mổ. Có ngày, tại đây, giết mổ đến cả hàng trăm con lợn.
   
  Điều đáng bàn là những người trực tiếp buôn bán và giết mổ gia súc ở đây còn rất thờ ơ với việc phòng dịch. Tất cả đều không dùng đồ bảo hộ khi tham gia giết mổ gia súc. Một nhân viên tại lò mổ ở thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Ai thuê thì làm, lợn ở đây cũng được mà lợn mang đến cũng được. Nếu cần kiểm dịch thì nộp tiền 50 ngàn/con “cóc” dấu là xong”.
   
Một lò mổ gia súc tập trung tại thành phố Hà Tĩnh
    
   
  Đến chợ gà Hà Tĩnh: “Hỏi về nguồn gốc của những con gà được bán tại lò mổ thì người giết mổ tỏ vẻ ái ngại và giới thiệu tôi sang gặp chủ hàng. Ông chủ hàng nói: “Gà đây là gà gô, giá 85 ngàn đồng/kg được đưa từ Hà Giang và trong miền Nam ra. Ở đây, chúng tôi còn có loại gà cỏ mía nữa, rẻ hơn, giá 70 ngàn đồng/kg…”. Về nguồn gốc gà tập trung ở đây cũng rất mập mờ; việc kiểm dịch cũng rất hình thức. Ngay cả khi dung nước giết mổ gia cầm cũng không đảm bảo vệ sinh, một nhân viên tại chợ cho biết thêm: “Nước sử dụng để giết mổ gia cầm được dùng từ giếng khoan bị nhiễm bẫn”.
   
  Các lò giết mổ tư nhân cũng không nằm ngoài tình trạng chung này. Có mặt tại một lò giết mổ tư nhân ở phường Bắc Hà, TP. Hà Tĩnh, chứng kiến môi trường làm việc của họ, tôi thật sự lo ngại. Nói là lò nhưng thực ra họ tập trung gà và tổ chức giết mổ ngay tại khu bếp của gia đình. Không gian của lò giết mổ chỉ đủ để mấy chuồng gà sống, một bể nước rửa, một cái bếp (nấu nước sôi) và chỗ ngồi cho khoảng 3 người giết mổ. Lối mang gà vào ra là hành lang của ngôi nhà.
   
Cơ quan chức năng khó kiểm soát
   
  Có một thực tế hiện nay là khi ngành chức năng tại Hà Tĩnh khi đến kiểm tra thì các hộ giết mổ tự do đem vào cơ sở giết mổ tập trung, còn hết kiểm tra thì họ vẫn quay lại đường cũ. Họ luôn tìm cách đối phó bằng những thủ thuật tinh vi, khó kiểm soát như tổ chức giết mổ vào nửa đêm, phi tang ngay vật chứng... Quản lý các hộ giết mổ gia súc, gia cầm tại nhà khá khó, trong khi đó người tiêu dùng vẫn còn chấp nhận sử dụng những thực phẩm không rõ xuất xứ, chưa được cơ quan chức năng kiểm soát, chứng nhận.
   
  Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sơn –Trạm thú y thành phố Hà Tĩnh phân tích: Lượng gia súc, gia cầm đưa vào lò giết mổ tập trung của thành phố thì được các cơ quan chức năng giám sát chặt chẻ, còn lại các sản phẩm tràn lan ngoài chợ tuy không phải là buông lỏng nhưng rất khó để kiểm soát…”.
   
  Hiện tại, có bao nhiêu điểm giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Hà Tĩnh đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm thì vẫn chưa có con số chính thức. Điều này cho thấy nguy cơ phát sinh nhiều dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng là rất cao. Để tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh cũng đã có chỉ đạo Chi cục Thú y tỉnh phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Qua kiểm tra, một số cơ sở đã chuyển biến tích cực.
   
Hình ảnh không đảm bảo vệ sinh thú y tại lò giết mổ gia súc tập trung
    
   
  Việc tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, dù có cố gắng nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều trường hợp giết mổ trái phép, bày bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch, đặc biệt là ở các chợ tạm, vỉa hè và các vùng nông thôn mà ngành thú y không thể kiểm soát hết. Việc chưa xây dựng được điểm giết mổ tập trung ở nhiều huyện, khiến ngành chức năng rất khó kiểm soát được đầu vào cũng như đầu ra của các sản phẩm để kiểm soát tình hình dịch bệnh của động vật. Điển hình như các huyện Vũ Quang, Can Lộc, hương Khê…vẫn chưa quy hoạch khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.
   
  Thực trạng giết mổ gia cầm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh như hiện nay và sự thờ ơ của những người dân rất đáng lo ngại. Thiết nghĩ, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, cung cấp các thông tin, biện pháp phòng chống dịch cúm kịp thời cho người dân, các ngành chức năng cần tăng cường quản lý các lò giết mổ.
   
  Bài & ảnh: Cao Lĩnh