Hà Nội cần 107.000 tỷ đồng xử lý chất thải rắn
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 17/09/2013
(TN&MT) - Để thực hiện Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tổng mức đầu tư thực hiện ước trên 107.000 tỷ đồng.
Để đạt mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 trở thành Thủ đô xanh-sạch, chất thải rắn được phân loại, tận thu tối đa và xử lý bằng công nghệ tiên tiến, thành phố Hà Nội đã đưa ra nhiều chính sách và các biện pháp nhằm nâng cao vai trò quản lý Nhà nước trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn.
Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ rác thải tại các khu vực nông thôn được thu gom, vận chuyển đi xử lý đạt tiêu chuẩn còn thấp; vấn đề xử lý rác thải còn nhiều bất cập. Một số huyện như Phúc Thọ, Quốc Oai, Ba Vì, Chương Mỹ… , công tác thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt mới thực hiện ở các thị trấn và một số xã lân cận còn những xã nằm xa trung tâm huyện vẫn chưa thu gom được rác thải về xử lý tập trung. Lượng rác thải chôn lấp tại chỗ ở một số huyện chiếm tỷ lệ từ 50 đến 60%, các điểm lấp này nằm rải rác tại các khu vực dân cư, gây ô nhiễm môi trường.
Theo thống kê, tại 18 huyện ngoại thành vẫn còn khoảng 304 điểm tồn đọng với tổng lượng rác thải khoảng 65.000 tấn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần là do nhiều địa bàn vùng sâu vùng xa, cơ sở hạ tầng còn thiếu, nhiều tuyến đường xe thu gom rác không thể vào được. Hơn nữa, ý thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, tình trạng vứt rác bừa bãi ra đường làng, ngõ xóm, ao hồ vẫn diễn ra.
Theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 13 khu xử lý chất thải rắn, 7 bãi chôn lấp phế thải xây dựng và bùn thải, 6 trạm trung chuyển chất thải rắn. Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt được phân loại, thu gom và xử lý theo các công nghệ tiên tiến trong nước và quốc tế như tái chế, sản xuất phân hữu cơ, đốt và chôn lấp hợp vệ sinh theo 3 vùng. Tổng mức đầu tư thực hiện được quy hoạch này ước trên 107.000 tỷ đồng. Các nguồn vốn huy động gồm ngân sách Nhà nước, thu từ nhân dân, vốn vay ODA, vốn vay thương mại và mở rộng các hình thức đầu tư.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, thành phố Hà Nội đang tập trung chỉ đạo quyết liệt để phát huy được sức mạnh tổng hợp của tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt phân biệt rõ trách nhiệm của từng chủ thể từ chính quyền đến các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, hộ gia đình. Chủ trương của thành phố sẽ khuyến khích xã hội hóa để đạt được hiệu quả cao nhất, thực hiện từng bước và có lộ trình rõ ràng; đồng thời có cơ chế đặc thù huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống thu gom, xử lý chất thải
Trước mắt, đến năm 2015, thành phố phấn đấu tổng lượng rác thải sẽ được xử lý theo các công nghệ tiên tiến đạt khoảng 4.650 tấn/ngày (chưa bao gồm công suất xử lý tại 3 khu xử lý rác thải quy mô cấp thành phố), đạt tỷ lệ xử lý trung bình ước khoảng 86,36%. Thành phố sẽ xử lý triệt để các điểm tồn đọng rác thải nhằm tái sử dụng quỹ đất cho các mục đích phát triển khác của địa phương.
Phạm Thu Hà