Khai thác titan ở Động Đạt, Phú Lương, Thái Nguyên: Bài 2: Hé lộ về “độ an toàn” của hồ chứa bùn thải
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 05/09/2013
Ruộng của người dân gần bãi thải sẽ tiếp tục bị “axit hóa” và suy thoái hoàn toàn bởi ô nhiễm bùn thải mà khó có cơ hội cải tạo...
Người dân xã Động Đạt, huyện Phú Lương, TP. Thái Nguyên đành ngậm ngùi mất trắng 8 ha lúa vụ này và đau xót hơn, họ sẽ mất vĩnh viễn 8 ha đất vốn là “bờ xôi, ruộng mật” của mình nếu như Công ty Cổ phần Ban Tích tiếp tục khai thác mỏ theo công suất (165.000 tấn quặng nguyên khai/năm) mà chỉ với cái đập và bãi thải ngoài chứa đất đá thải bằng cách lợi dụng sườn núi như hiện nay. Ruộng của người dân gần bãi thải sẽ tiếp tục bị “axit hóa” và suy thoái hoàn toàn bởi ô nhiễm bùn thải mà khó có cơ hội cải tạo...
Quá tải và không đúng quy chuẩn
Theo đánh giá của các chuyên gia khoáng sản, mỏ titan Cây Châm là mỏ quặng titan gốc với tổng trữ lượng tương đối lớn, ngoài ra có một lượng không đáng kể quặng titan sa khoáng thu được trong quá trình bóc đất phủ. Do đó, theo thiết kế mỏ do Công ty thành lập, để có được 1 tấn quặng titan nguyên khai người ta phải bóc đi tương ứng gần 1m3 đất đá thải. Đất phủ và đất đá thải sau khi bóc phủ được chuyển ra bãi thải ngoài. Như vậy, trong ranh giới mỏ, trong suốt thời gian tồn tại của mỏ, khối lượng đất đá thải ra bãi thải là rất lớn, gần 3 triệu m3.
Với địa hình xung quanh khu vực khai thác, doanh nghiệp đã lợi dụng sườn núi để thải đất đá (thải sườn) và đắp đập ở chân bãi thải. Bản chất đập này là đập chắn, tạo khoảng không gian chứa đất đá thải và ngăn cho chất đất đá thải, bùn thải tràn ra ngoài bãi thải mỗi khi trời mưa. Tuy nhiên, đối với trường hợp mỏ Cây Châm, đập chắn hiện tại không thể đủ để tạo nên bãi thải có sức chứa đủ đất đá thải và hoàn toàn thiếu chắc chắn. Theo nguyên tắc, những cái đập được đắp kiểu này chỉ dùng chắn bùn thải, đất đá thải trực tiếp tràn ra môi trường xung quanh chứ không thể ngăn bùn đất, nước thải chảy tràn xuống ruộng nếu trời mưa lớn, kéo dài. Thực tế, để bảo đảm các hồ chứa bãi thải có đủ dung tích chứa bùn đất đá thải trong quá trình khai thác titan gốc, đập phải được thiết kế, tính toán kỹ trước khi xây dựng, thậm chí phải xây kín bằng đá xi măng mới có tác dụng ngăn đất đá thải. Thông thường, khi đánh giá tác động môi trường hay lập bản cam kết bảo vệ môi trường, các cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt phải yêu cầu doanh nghiệp tính toán và làm thêm 01 cái đập nữa (thường gọi là “đập lọc”), đập này cách đập chắn hiện tại một khoảng cách nhất định có tác dụng lọc nước bùn thải sau khi tràn qua đập thứ nhất trước khi thải ra môi trường. Việc tính toán khoảng cách này phụ thuộc vào cỡ hạt, tính chất cơ lý vật liệu (bùn thải) để làm sao cho sau khi tràn qua đập chứa trên thì đủ để các hạt chất rắn lắng tự nhiên trước khi đến chân “đập lọc”. Mặt khác, “đập lọc” thường làm bằng đá hộc, được lèn chặt đủ để cho phép nước thấm và chảy qua thân đập (không cho phép chảy tràn). Do đó, nước sau khi qua “đập lọc” sẽ bảo đảm có các chỉ tiêu dưới mức cho phép theo quy định.
Như vậy, không khó để lý giải vì sao, sau thời gian khai thác ồ ạt, chỉ trong vòng 2 năm qua, đơn vị khai thác đã không dưới 2 lần phải thỏa hiệp, đền bù cho bà con có ruộng bị tràn bùn do đập vỡ xung quanh mỏ Cây Châm. Theo người dân đang sinh sống tại đây, bà con các khu ruộng phía trên gần thân đập như Cây Châm, Tân Lập, Đồng Nghè 1 đã được 2 lần nhận tiền bồi thường từ phía Công ty Ban Tích. Và gần đây nhất, ngày 10 – 12/7/2013, khi cơn mưa nặng hạt tràn về cũng là lúc hồ chứa bùn của Công ty tiếp tục vỡ đập, bùn thải ồ ạt tràn xuống ruộng dù đã được kè đá.
Doanh nghiệp “qua mặt” cơ quan chức năng?
Quy trình bảo vệ môi trường cũng như quy chuẩn xây đập đảm bảo an toàn cho quá trình khai thác titan lộ thiên và titan gốc chặt chẽ, rõ ràng là vậy, song trên thực tế, doanh nghiệp đã “phớt lờ” việc xây đập và ngang nhiên “qua mặt” cả các cơ quan quản lý môi trường địa phương khi ngay trong Bản đăng ký Đạt tiêu chuẩn môi trường của Dự án Khai thác, chế biến quặng Inmenit Cây Châm do Công ty Cổ phần Ban Tích báo cáo năm 2003 cũng không có một dòng nào đề cập đến vấn đề xây dựng “đập lọc” mà chỉ vẻn vẹn có vài dòng ghi xây dựng bãi thải. Cụ thể, tại phần IV trang 33 của Bản đăng ký Đạt tiêu chuẩn môi trường viết: “... đất phủ trong đó có một lượng nhỏ quặng sa khoáng, lượng thải là khoảng 180.000 m3. Xử lý chất thải rắn này bằng cách được vận chuyển và đổ thải tại bãi thải phía Đông và Đông Nam khai trường. Diện tích bãi thải 6 ha có khả năng chứa 300.000 m3 đất đá thải. Bãi thải có độ cao đổ thải +76m đến 63m với chiều cao đổ thải là 13m. Bãi thải được thiết kế đê bao xung quanh, kích thước đê ngăn cao 1m, rộng 1,5m...”. Trong mục V.5 trang 34 của Báo cáo ĐTM đưa ra các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm do nước thải cũng viết: “Nước thải trong quá trình tuyển rửa quặng được thu gom qua hệ thống bể thu hồi, sau đó được lọc lắng nhiều lần trước khi đưa vào xử lý chung để quay lại sử dụng”. Nhưng bể được xây ở đâu? Quá trình lọc lắng diễn ra như thế nào thì không thấy đề cập đến. Và trên thực tế, khu vực này không hề có một “bể lọc lắng” nào được xây dựng ngoài “hồ tự nhiên” do dựa vào thế dốc của núi mà thành.
Liên ngành kiểm tra vẫn tốt!?
Trong buổi làm việc giữa phóng viên Báo TN&MT và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên, báo cáo về vụ việc xảy ra sự cố tràn bùn thải ở khu vực mỏ Cây Châm, tại báo cáo về sự cố tràn bùn, Sở này vẫn khẳng định “Công ty Ban Tích đã thực hiện tương đối đầy đủ các nội dung quy định về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước. Đã lập Dự án cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác lộ thiên tại mỏ Cây Châm được Sở TN&MT phê duyệt ngày 15/9/2011; đã tiến hành ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo đúng quy định. Trong quá trình hoạt động, Công ty đã có biện pháp thu gom tuần hoàn nước thải và chỉ có một phần nước thải sản xuất tràn ra môi trường. Gần đây nhất là ngày 20/6/2012 đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường phối hợp kiểm tra liên ngành cho thấy các hồ chứa bùn thải của đơn vị không còn hiện tượng rò rỉ, nứt tại các đê chắn”. Duy chỉ có một điểm “chưa đạt đó là nước thải rò rỉ với chỉ tiêu Fe vượt tiêu chuẩn cho phép 9,76 lần.
Như vậy, câu hỏi đặt ra là, nguyên tắc để một đơn vị thực hiện khai thác mỏ đảm bảo yếu tố môi trường đã quá rõ ràng, vì sao khi thẩm định đánh giá tác động môi trường, các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên lại dễ dàng “cho qua” những tiêu chí này, thậm chí còn khẳng định họ đạt tiêu chuẩn và làm tốt vấn đề khắc phục ô nhiễm môi trường?
Bàn về cơ quan quản lý chịu trách nhiệm khi doanh nghiệp vi phạm môi trường trong quá trình khai thác mỏ, một chuyên gia thuộc Tổng Cục Địa chất Khoáng sản, Bộ TNMT (xin được giấu tên) khẳng định: Bộ TN&MT cấp Giấy phép khai thác mỏ titan Cây Châm cho Công ty Ban Tích tháng 3/2005. Về mặt pháp lý, những mỏ Bộ cấp Giấy phép, Bộ kiểm tra doanh nghiệp khai thác có đúng theo nội dung Giấy phép về khai thác khoáng sản và pháp luật về khoáng sản hay không? Còn cơ quan xác nhận bản cam kết môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên sẽ kiểm tra, quản lý về môi trường theo các văn bản do các cơ quan này xác nhận, phê duyệt. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện của doanh nghiệp theo bảng đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường trước đây. Trường hợp, không đạt yêu cầu cần kiểm tra việc thiết kế, xây dựng, mức độ an toàn đập chứa chất thải tại mỏ titan Cây Châm đã làm đúng văn bản xác nhận và quy định của pháp luật về môi trường hay chưa? Trường hợp, nếu doanh nghiệp làm đúng như văn bản cam kết đã xác nhận mà vẫn xảy ra 2 sự cố vỡ đập (2008) và tràn đập vừa qua thì nên rà soát. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu Công ty lập báo cáo ĐTM bổ sung, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt (trong đó lưu ý việc tính toán, thiết kế xây dựng “đập lọc” và nhanh chóng khắc phục sự cố. Có như vậy, mới giải quyết tận gốc vấn đề để người dân yên tâm sản xuất.
Nhóm PV TN&MT