Dân dựng lều, nấu cháo để “bắt” xe chở hóa chất độc hại

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 28/08/2013

(TN&MT) - Nhiều ngày qua, hàng trăm người dân xã Cẩm Vân và Cẩm Tâm (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) đã cùng nhau dựng lều, nấu cháo thay nhau canh giữ tuyến đường...
   
   
(TN&MT) - Nhiều ngày qua, hàng trăm người dân xã Cẩm Vân và Cẩm Tâm (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) đã cùng nhau dựng lều, nấu cháo thay nhau canh giữ tuyến đường liên thôn. Vào khoảng 5h30 phút ngày 25/8/2013, các hộ dân đã “bắt” được chiếc xe có biển kiểm soát 36C 03958 nghi có chở hóa chất độc hại đang mang đi tiêu thụ của Xí nghiệp Thanh Thái (Công ty CP Nicotex Thái Bình - thuộc Bộ Quốc phòng).
   
  Trao đổi với Phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường, chị Lê Thị Nguyên, ở thôn 5 xã Cẩm Vân cho biết: Gia đình chị ở trên mảnh đất này đã lâu đời nay. Nhưng từ năm 1997, khi Xí nghiệp Thanh Thái về đóng trên địa bàn thì mọi việc dường như đảo lộn, mảnh đất 28.000 m2 gia đình chị nhận thầu để trồng mía và đào ao thả cá hầu như không thu hoạch được như. Đặc biệt là ao thả cá, chị đầu tư trên 50 triệu đồng để múc đất đào ao, mua con giống, khi thả cá xuống, lúc đầu cá sống và phát triển bình thường, nhưng khi có mưa xuống, nước mưa tràn ao thì cá có hiện tượng tróc vẩy, toàn thân đen ngòm và chết hàng loạt. Qua 2, 3 vụ như thế, chán nản chị không nuôi nữa và đầu tư trồng mía, nhưng cây mía cũng không sao sống được. Chị thở dài: gần 3 ha đất nhưng mỗi năm chỉ thu hoạch chưa được 30 tấn mía khổ lắm chú ạ. Cũng vì sống gần nhà máy, lại không có nước máy sinh hoạt, gia đình chị phải đào giếng nước ngầm để sinh hoạt, mà giếng nước này từ bao đời nay có sao đâu. Nhưng nay tôi đang bị u nang tử cung buồng trứng. Nhiều lần gia đình làm đơn lên huyện, xã để nhờ can thiệp, nhưng đều “bặt âm vô tín”.
   
Người dân đang theo dõi các cơ quan chức năng kiểm tra
    
   
  Anh Phan Văn Dũng, ở thôn An Cư xã Cẩm Tâm không khỏi bức xúc nói: Hàng chục năm nay người dân trong khu vực luôn phải chịu đựng mùi hôi nồng nặc do Xí nghiệp Thanh Thái chiết xuất thuốc trừ sâu phát ra. Gia đình anh nuôi hơn hai trăm con vịt cũng không sống được, giếng nước gia đình anh nhiều khi trời mưa xuống lại đen ngòm có mùi tanh nồng khó chịu, mới đầu anh tưởng do thời tiết nên vẫn uống sau đó nghe đài báo nói nhiều về việc ảnh hưởng hóa chất thuốc trừ sâu nên anh không uống nữa xây bể nước mưa. Nhưng anh biết đấy, dân miền núi chúng tôi chỉ uống nước mưa trong mấy tháng rồi hết, nước máy lại không có, bắt buộc phải dùng nước giếng. Nhiều hôm uống xong cốc nước thấy người buồn nôn, đau đầu khó chịu, đêm lại đóng cửa kín mít bật quạt nhưng phải đắp chăn kín qua đầu mới ngủ được, anh Dũng nói...
   
  Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người dân xã Cẩm Tâm, Cẩm Vân (huyện Cẩm Thủy) và Yên Lâm (huyện Yên Định) đều cho biết: người dân trong vùng từ bán kính 4-5 km2 đều có hiện tượng chóng mặt, buồn nôn, đau đầu khó chịu, trẻ em thì còi cọc, phụ nữ thì khó khăn về đường sinh đẻ. Như chị Nguyễn Thị Tân sinh con khi mới bước sang tháng thứ 6, cũng may mag cứu được cả mẹ lẫn con, Chị Phạm Thị Lan ở thôn 8, Cẩm Tâm bị lưu thai đến nay vẫn còn dư âm đau đầu, buồn nôn, chị Nguyễn Thị Loan, bị bệnh loãng máu. Hay chồng bà Vũ Thị Thảo cũng do bị ảnh hưởng mùi thuốc trừ sâu của xí nghiệp đã chết cách đây 5 năm, anh Lê Văn Dũng, 33 tuổi thôn 8, Cẩm Vân cũng vừa bị bệnh ung thư chết cách đây mấy ngày...
   
  Không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của hàng trăm hộ dân quanh vùng, mùi thuốc sâu lan tỏa và những phuy thuốc do xí nghiệp chế xuất xong lại đem chôn ngay cạnh đó đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nước sinh hoạt của bà con. Cũng trên một thửa ruộng, nhưng những xã quanh đó trồng mía năng suất đạt 40-50 tấn tấn/ha, nhưng ở Cẩm Tâm chỉ đạt 20- 30 tấn…
   
Các cơ quan chức năng đang tiến hành kiểm tra
    
   
  Có mặt tại đường liên thôn xã Cẩm Tâm, chúng tôi quan sát thấy mặc dù thời tiết nắng nay nắng ngắt nhưng vẫn có hàng trăm người dân quanh vùng đang đứng đó chứng kiến lực lượng liên ngành gồm: Công an, Tài nguyên & Môi trường, Viện Kiểm sát, Quản lý thị trường và Chính quyền địa phương tiến hành lập biên bản kiểm tra xe chở hóa chất. Anh Phan Văn Dũng ở thôn An Cư, xã Cẩm Tâm cho biết: Nhiều ngày qua, hàng trăm người dân trong vùng đã đoàn kết dựng lều, nấu cháo thay nhau canh giữ tuyến đường khi có xe của Xí nghiệp đi qua. Chúng tôi kiểm tra nhiều xe, những xe trước chở thuốc đã đóng gói, bà con đều cho đi qua. Nhưng đến chiều tối ngày 25/7/2013, chiếc xe này ngoài chở những thùng hàng thuốc trừ sâu đã đóng gói còn chở thêm 15 thùng phuy loại 203 kg/phuy không có nhãn mác, hoen gỉ, chúng tôi nghi là hóa chất độc hại nên “ bắt” lại không cho đi để báo các cơ quan chức năng lập biên bản, xử lý.
   
  Lý giải về hành động "bắt" giữ xe ô tô, nhiều người dân địa phương phản ánh, trong quá trình sản xuất thuốc bảo vệ thực vật hơn 15 năm qua, Công ty CP Nicotex Thanh Thái (đóng tại xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy) đã lén lút chôn một lượng lớn hóa chất bị cấm độc hại  xuống lòng đất ngay trong khuôn viên khu vực sản xuất của công ty này. Ngoài ra, phía Xí nghiệp này còn tiến hành tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật hết niên hạn sử dụng, vỏ bao bì... bằng cách chôn xuống đất không đúng quy trình gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
   
 Bà con dựng lều, nấu cháo để bảo vệ hiện trường
    
   
  Sáng 28/8/2013, lực lượng liên ngành đã tiến hành kiểm tra xe ô tô có biển kiểm soát 36C 03958 thì trên xe hàng trăm thùng hàng có nhãn mác Dylan 2EC và loại Cariza 5EC và 15 thùng phuy đựng hóa chất đã hoen gỉ không có nhãn mác. Hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành niêm phong và xác định nguồn gốc. Đặc biệt, trong buổi sáng ngày 28/8/2013 làm việc với các cơ quan chức năng, đại diện phía Công ty CP Nicotex Thanh Thái đã thừa nhận việc Xí nghiệp chôn lấp các thùng phuy đã sử dụng xuống lòng đất là có thật.
   
  Thiết nghĩ, trong lúc UBND tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan chức năng đang đầu tư hàng chục tỷ đồng để xử lý những kho thuốc sâu tồn dư hóa chất trước kia ở thôn Đồng Bồng, xã Vĩnh Tiến (Vĩnh Lộc), ở Đông Sơn, thì việc kho hóa chất thuốc bảo vệ thực vật xung quanh các xã Cẩm Vân (huyện Cẩm Thủy) và Yên Lâm (huyện Yên Định) là có cần thiết hay không?. Câu hỏi này dành cho các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa.
   
  Bài & ảnh: Nguyễn Dũng