Thái Nguyên: Nhà máy gây ô nhiễm vẫn ung dung hoạt động

Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 27/08/2013

Bất chấp văn bản đề nghị nhà máy dừng sản xuất vì gây ô nhiễm, Nhà máy kẽm điện phân Thái Nguyên vẫn ung dung hoạt động...
   
(TN&MT) - Bất chấp văn bản đề nghị nhà máy dừng sản xuất của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên vì ô nhiễm môi trường, Nhà máy kẽm điện phân Thái Nguyên vẫn ung dung hoạt động, gây bức xúc cho người dân và nhiều doanh nghiệp.
   
  Theo phản ánh của các hộ dân sinh sống gần khu công nghiệp Sông Công (Thái Nguyên), từ nhiều năm nay, Nhà máy kẽm điện phân Thái Nguyên thuộc Cty TNHH một thành viên kim loại màu Thái Nguyên đóng tại phường Bách Quang, thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, thường xuyên thải ra môi trường những hóa chất kịch độc có thể gây chết người. Tuy nhiên, mọi kiến nghị của người dân cũng như Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên đều bị doanh nghiệp này bỏ qua.
   
  Ông Cao Văn Minh, Tổ trưởng Tổ dân phố Chương Lương, phường Bách Quang, thị xã Sông Công, cho biết: Lúa của bà con nông dân trên các cánh đồng Tràng Ba, cánh đồng Kè, tổ dân phố Chương Lương, làng Mới phường Bách Quang đều bị cháy do chất thải của Nhà máy kẽm điện phân thuộc Cty TNHH một thành viên kim loại màu Thái Nguyên. Các đồi cây trồng bạch đàn xung quanh nhà máy cũng đang chết dần, chết mòn. Hằng ngày, nhất là những ngày mưa, ai ai trong khu vực cũng thấy cay mắt, cay mũi, khó thở, rất nhiều người phải đi viện khám đường hô hấp.
   
   
  Trước những ẩn họa về môi trường, đặc biệt là những hóa chất kịch độc có thể gây chết người, cơ quan quản lý môi trường đã tiến hành đo, kiểm tra chất lượng không khí xung quanh Nhà máy kẽm điện phân Thái Nguyên. Theo đó, tại Biên bản đo kiểm tra ngày 8/7/2013 cho thấy, không khí xung quanh Nhà máy kẽm điện phân bị ô nhiễm nghiêm trọng - một số chỉ tiêu hóa học vượt quá quy chuẩn, như: Chỉ tiêu H2S trong không khí xung quanh vượt từ 31,4 lần đến 61,6 lần cho phép; chỉ tiêu SO2 trong không khí vượt từ 1,1 đến 7,1 lần; chỉ tiêu HCL trong không khí vượt từ 1,2 đến 11,07.
   
  Kết quả phân tích nguồn nước thải từ Nhà máy kẽm điện phân chảy vào mương La Vang được Ban quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên lấy mẫu ngày 19/7/2013 cũng cho thấy nhiều chỉ tiêu vượt ngưỡng chỉ tiêu chất thải nguy hại, đặc biệt nghiêm trọng là chỉ tiêu cadimi (Cd) vượt 2.615 lần so với quy chuẩn quốc gia; chì (Pb) vượt 62 lần...
   
  Trao đổi với phóng viên, ông Phan Mạnh Cường, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên, cho biết: Nhiều nhà đầu tư khi đến xem xét đầu tư vào Khu công nghiệp Sông Công I đã lo ngại về vấn đề môi trường do nhà máy kẽm điện phân gây ra, và họ đã đi tìm địa điểm đầu tư khác.
   
  Sau khi có kết quả kiểm tra nước thải và môi trường xung quanh nhà máy, Ban quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên đã có văn bản đề nghị Nhà máy kẽm điện phân dừng sản xuất để khắc phục được ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, dường như phớt lờ đề nghị của cơ quan quản lý Nhà nước, hàng ngày Nhà máy kẽm điện phân vẫn ung dung hoạt động sản xuất, gây bức xúc cho người dân và nhiều doanh nghiệp.
   
   
  Bà Nguyễn Thị Ngọc (tổ dân phố Chương Lương, phường Bách Quang, thị xã Sông Công) bức xúc: Lúa, bạch đàn, đến cả cánh cổng sắt nhà tôi cũng bị chết dần chết mòn mà họ vẫn coi như chẳng có chuyện gì xảy ra. Không lẽ chờ đến khi có người chết vì chất độc từ nhà máy thì chúng tôi mới được quan tâm?
   
  Được biết, ngày 11/7 và ngày 9/8, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên cũng đã có các Báo cáo số 370 và 418 gửi UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở Tài nguyên & Môi trường và Công an tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, đến nay cũng chưa thấy có sự vào cuộc của cơ quan chức năng.
   
Hoa Linh Lan