Tetra Pak mở rộng hợp tác, thúc đẩy tái chế vỏ hộp sữa giấy
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 07/08/2013
(TN&MT) - Công ty Tetra Pak Việt Nam dự kiến tiếp tục mở rộng việc hợp tác với các nhà sản xuất sữa và doanh nghiệp tái chế.
(TN&MT) - Công ty Tetra Pak Việt Nam dự kiến tiếp tục mở rộng việc hợp tác với các nhà sản xuất sữa và doanh nghiệp tái chế nhằm duy trì bền vững hoạt động thu gom tái chế vỏ hộp sữa giấy, bảo vệ môi trường và làm sâu sắc thêm cam kết thân thiện với môi trường trong toàn bộ chuỗi giá trị, từ nguyên liệu tới sau tiêu thụ.
Một trong những hoạt động đó là việc kết hợp với Công ty Giấy và Bao bì Đồng Tiến (Công ty Đồng Tiến) tổ chức lễ trao giải thưởng cho các trạm thu mua phế liệu gom được số lượng vỏ hộp sữa giấy nhiều nhất trong nửa đầu năm 2013 tại TP.HCM. Mục đích của giải thưởng là nhằm khuyến khích người tiêu dùng, người thu gom rác và các vựa thu mua phế liệu tích cực thu gom vỏ hộp sữa giấy - vốn có thể tái chế 100%.
Lễ trao giải thưởng nhất, nhì và ba cho các trạm thu mua phế liệu |
Tại buổi lễ, Tetra Pak Việt Nam cũng thông báo sẽ trao 7 máy ép vỏ hộp sữa giấy cho các nhà máy sản xuất sữa trên cả nước nhằm thu hồi vỏ hộp phế phẩm cho việc tái chế ngay từ khâu sản xuất.Việc trang bị các máy ép vỏ hộp sữa sẽ giúp các nhà máy sữa giảm diện tích kho bãi và thời gian thu gom phế phẩm.
Bà Trần Thị Hạnh Dung, Giám đốc Truyền thông và Môi trường Tetra Pak Việt Nam cho biết: “Vỏ hộp sữa giấy có thể tái chế 100%, do đó nếu vứt bỏ là một lãng phí lớn, chưa kể còn gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Do đó việc tăng cường sự hợp tác giữa Tetra Pak, các nhà máy sản xuất sữa và doanh nghiệp tái chế sẽ mang lại những lợi ích to lớn về cắt giảm chi phí cho nhà sản xuất, nguyên liệu ổn định cho nhà tái chế và cuối cùng là môi trường trong lành hơn cho cộng đồng”.
Ông Hoàng Trung Sơn, Giám đốc Công ty Đồng Tiến chia sẻ: “Lễ trao giải cho những trạm thu gom nhiều nhất là minh chứng cho thành công bước đầu của sự hợp tác giữa hai công ty. Khởi đầu khi chưa ai có nhận thức về giá trị của việc tái chế vỏ hộp sữa cho môi trường và thu nhập, đến nay số lượng thu gom đã ngày càng tăng, tạo nguồn cung nguyên liệu giúp Đồng Tiến duy trì sản xuất tấm lợp sinh thái ổn định”.
Theo ông Sơn, nhu cầu thị trường cho tấm lợp sinh thái đang tăng lên, đặc biệt là từ các trang trại nuôi gia súc và nhà xưởng nhà máy nhờ các tấm lợp này có độ bền cao, chống nóng tốt và thời gian sử dụng dài. Do đó, công ty sẽ tiếp tục tích cực mở rộng mạng lưới thu gom tại các tỉnh trong thời gian tới. Hiện tại Công ty có 21 trạm thu mua vỏ hộp sữa trên cả nước, với sản lượng thu mua trung bình khoảng 250.000 kg/tháng.
Tại chương trình trao thưởng, Tetra Pak và Công ty Đồng Tiến đã trao 1 giải nhất là một chuyến đi tham quan Singapore và Malaysia trọn gói (6 ngày/5 đêm) cho hai người, 1 giải nhì gồm 2 vé du lịch Thái Lan trọn gói (5 ngày/4 đêm), 1 giải ba là 1 TV LCD 32”, và 7 giải Khuyến khích là tủ lạnh 110 lít.
Bà Trần Đỗ Thanh Bình, chủ trạm thu gom phế liệu tại quận 12, TP.HCM đã dành giải Nhất với số lượng vỏ hộp sữa giấy gom được cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2013 cho biết: “Thực sự tôi rất vui sướng dành được giải thưởng hấp dẫn này. Trạm chúng tôi biết đến việc thu gom vỏ hộp sữa giấy qua vận động của Công ty Tetra Pak và Đồng Tiến và rất bất ngờ khi số lượng thu gom ngày càng tăng, đem thêm nguồn thu cho trạm. Được biết các vỏ hộp sữa giấy này sẽ được dùng để tái chế làm thành các tấm mái lợp sinh thái dùng cho các trang trại, nhà xưởng rất tốt.”
Năm 2011, dây chuyền tái chế hoàn thiện vỏ hộp sữa giấy đầu tiên tại Việt Nam đã được đưa vào hoạt động tại Công ty Đồng Tiến, Bình Dương. Dây chuyền tái chế có công suất 50 tấn/ngày, tái chế vỏ hộp giấy thành các sản phẩm có ích như thùng carton, mái lợp sinh thái... Đây là nơi sẽ đứng ra thu mua vỏ hộp sữa cho người tiêu dùng, người thu gom rác và các vựa thu mua phế liệu. Mức giá thu mua vỏ hộp sữa đã qua sử dụng là 4.300đồng/kg tại nhà máy giấy Đồng Tiến và 3.000 đồng/kg tại các trạm thu mua.
Bài & ảnh: Tường Tú