Biển Hậu Lộc (Thanh Hóa): Hiểm họa từ rác thải độc hại
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 24/07/2013
(TN&MT) - Báo TN&MT đã nhiều lần phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại bãi biển xã Ngư Lộc. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được cải...
(TN&MT) - Báo Tài nguyên & Môi trường đã nhiều lần phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại bãi biển xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Tuy nhiên, đến thời điểm này tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được cải thiện, rác vẫn chồng lên rác.
Đi dọc theo con đê biển dài khoảng hơn 1 km từ xã Minh Lộc lên Ngư Lộc đoạn giáp ranh với xã Đa Lộc (Hậu Lộc - Thanh Hóa) chúng tôi chứng kiến cơ man là rác, rác được bỏ vào bì xác rắn chất lên thành núi. Bên cạnh những đống rác cao ngất ngưởng đó, từng tốp trẻ em canh tìm phế thải và những tốp người ngồi chế biến hải sản. Mùi hôi thối của hàng trăm thứ rác cộng với mùi thủy sản tanh nồng đã tạo lên mùi hôi khó chịu. Không những chế biến cá ngay cạnh bãi rác, ngư dân còn phơi cá ngay bên cạnh.
Ông Hoàng Văn Năm, ở thôn Thắng Bắc bức xúc nói: “Họ mang hải sản ra đê biển để chế biến ngay đầu gió, những hôm trời gió to thổi vào các nhà không thể nào chịu nổi mùi hôi thối của đủ mọi thứ rác. Chiều thì hàng đống vỏ điềm điệp được vứt ngổn ngang, nước rửa cá cũng được đổ thẳng luôn xuống biển nên ruồi nhặng bám đầy…”.
Chưa hết, biển Ngư Lộc đang ngày đêm hứng chịu một thứ rác công nghiệp vô cùng độc hại do xăng dầu, các loại sơn chống hà, chống gỉ từ tàu thuyền thải ra… Toàn xã Ngư Lộc có khoảng 328 phương tiện đánh bắt và khai thác thủy hải sản lớn nhỏ. Lượng dầu thừa tu bổ máy móc và dầu thải cả năm lên đến hàng vạn lít đổ xuống biển, cộng với các loại sơn chống hà mỗi năm một tàu sẽ dùng đến 80 - 90 kg. Cả xã Ngư Lộc sẽ dùng đến khoảng 27 tấn sơn chống hà “siêu” độc?.
Rác ngập cả biển
Chị Trần Thị Lài ở xã Đa Lộc, cho biết: Trước kia bãi biển Đa Lộc sạch lắm, chủ yếu ngư dân đi đánh cá bằng thuyền buồm nên mặt nước ít bị ô nhiễm, có những hôm chị bắt được hàng chục kg ốc và cá. Nhưng nay ô nhiễm do chất thải từ tàu thuyền khiến nhiều loại thủy hải sản bị chết. Vì vậy, bây giờ đi bắt cả ngày cũng chỉ bắt được dăm bảy lạng cá và một vài kg ốc, chỉ đủ mua gạo ăn trong ngày.
Cùng với các loại rác thải công nghiệp thì với 1,8 vạn dân, mỗi ngày trung bình chỉ thải ra 1 kg rác/người/ngày, thì xã này cũng thải ra mỗi ngày 18 tấn rác(!?). Rác chồng lên rác, ngư dân Ngư Lộc bước chân ra ngõ đã đụng phải rác!
Nhiều người dân Ngư Lộc bức xúc cho biết: Đất chật, người đông ngay cả đến nghĩa trang xã cũng không có, mỗi khi có người mất phải chôn nhờ xã khác thì làm sao có bãi rác. Chính vì vậy, bà con phải thuê Công ty vệ sinh và đóng tiền hàng tháng từ 13.000 - 30.000 đồng/hộ/tháng. Theo thỏa thuận thì Công ty này thu gom rác mang đi nơi khác xử lý, nhưng không hiểu tại sao có hôm họ mang đi, có hôm họ lại mang ra biển.... đổ(?).
Vừa rồi xã và huyện huy động thanh niên tình nguyện xuống làm vệ sinh bãi biển, ngư dân chúng tôi rất vui mừng vì từ nay bãi biển sẽ được sạch sẽ, các thanh niên “áo xanh” vào làng để xin bao bì xuống biển nhặt rác, xin bao nhiêu bà con cũng cho, có người còn hăng hái ra nhặt rác cùng thanh niên. Nhưng rác nhặt xong thì lại... chất thành đống để đấy không mang đi?!
Được biết, thời gian qua UBND xã Ngư Lộc và một số xã ven biển như Hưng Lộc, Đa Lộc, Minh Lộc đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần môi trường CMT- TP Thanh Hóa về việc quản lý việc thu gom rác thải ở các xã ven biển trong khu dân cư đem đi xử lý. Tuy nhiên, đến nay công ty này mới thu gom được một phần rác thải ở các xã Hưng Lộc, Minh Lộc, Đa Lộc đưa đi xử lý tại địa phương khác. Riêng tại xã Ngư Lộc vì lượng rác thải sinh hoạt từ nhà dân trong ngày quá lớn, công ty chưa đủ kinh phí vận chuyển về TP. Thanh Hóa để xử lý. Do vậy, hàng ngày nhân viên công ty gom rác thải trong các thôn của xã Ngư Lộc rồi đem xả hết xuống bãi biển Ngư Lộc(!?).
Bài và ảnh: Tuyết Trang