Giới thiệu Luật Biển Việt Nam với thế giới
Môi trường - Ngày đăng : 00:00, 20/06/2013
Tại Hội nghị, đại diện của Việt Nam đã giới thiệu về Luật Biển Việt Nam, thể hiện trách nhiệm trong thực hiện Công ước đối với việc quy định các vùng biển, thềm lục địa, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán. Việt Nam cũng đã dựa vào Công ước để thực hiện các quyền đàm phán. Nhiều học giả, nhà khoa học quốc tế cho rằng, đó là tấm gương, bài học cho khu vực, cho quốc tế trong giải quyết các vùng chồng lấn.
Theo ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, việc Việt Nam giới thiệu Luật Biển Việt Nam ra thế giới có nhiều ý nghĩa. Đầu tiên, Luật Biển Việt Nam có hiệu lực từ đầu năm 2013, vì vậy việc phổ biến rộng rãi là hết sức cần thiết. Chúng ta là một nước thành viên Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, việc giới thiệu Luật Biển Việt Nam ra Hội nghị của Liên Hiệp Quốc với các nước thành viên còn thể hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của một nước thành viên trong thực hiện các nội dung của Công ước.
Ngoài ra, việc xây dựng Luật Biển Việt Nam là thể hiện trách nhiệm cao nhất trong thực hiện công ước, đó là một thành tích, là kết tinh, là sự nghiêm túc của Việt Nam với tư cách là nước thành viên luôn tuân thủ các quy định của công ước. Điều này có ý nghĩa giúp việc xử lý các mối quan hệ trong khu vực biển Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền mà đối tượng cần chấp hành chính là công dân, tổ chức của Việt Nam cũng như công dân, tổ chức của các nước khi hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam.
Luật Biển Việt Nam còn thể hiện sự nghiêm túc trong chấp hành công ước quốc tế. Trong đó, các nội dung quy định đều cho thấy ý nghĩa sâu sắc rằng cần xây dựng lòng tin chiến lược như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng phát biểu tại đối thoại Shangri-La lần thứ 12 ở Singapore. Đó là cần phải tôn trọng luật pháp, phải chấp hành nghiêm túc luật pháp quốc tế và luật pháp của các quốc gia liên quan.
Thời gian tới, việc giới thiệu và phổ biến Luật Biển Việt Nam ở trong nước phải có đầu tư, tập huấn. Cần chú trọng vào các lực lượng chấp pháp trên biển, cần hướng dẫn và phổ biến luật cho công dân Việt Nam, đặc biệt là ngư dân trên biển. Quan trọng là lực lượng chấp pháp phải hiểu và ứng xử theo đúng các quy định của Luật Biển.
Bên cạnh đó, Luật Biển Việt Nam cần được dịch chuẩn xác ra các thứ tiếng rồi phổ biến rộng rãi qua các hội nghị, diễn đàn quốc tế. Điều này giúp các nước hiểu và nắm rõ về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Đồng thời cũng để giải thích rõ, tránh việc một số nước, học giả hiểu sai, thậm chí cố tình thông tin sai về chủ quyền trên biển của Việt Nam.
K.Linh