Bà Rịa - Vũng Tàu: Sẽ chuyển đổi mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 18:01, 13/05/2019

(TN&MT) - Hiện nay, toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh. Tuy phương pháp này dễ thực hiện, nhưng lại chiếm khá nhiều diện tích đất và tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về môi trường rất cao. Do đó, để tiến tới sử dụng những công nghệ thân thiện với môi trường, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang đẩy nhanh việc thực hiện giải pháp chuyển đổi mô hình xử lý chất thải từ chôn lấp sang phương pháp đốt, tái chế.
nh 1
Chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tại Công ty TNHH KBEC Vina trong Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên

Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt gia tăng mạnh

Theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng, hiện nay, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại 07 huyện, thị xã, thành phố trên đất liền của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 900 tấn/ngày và dự báo đến năm 2020 khối lượng phát sinh khoảng 1.250 tấn/ngày; khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại huyện Côn Đảo khoảng 12-15 tấn/ngày và khối lượng đang tồn đọng tại khu vực Bãi Nhát khoảng trên 70.000 tấn.

Tính tới thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 03 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nhưng chỉ có 01 dự án đang hoạt động, 02 nhà máy đang trong quá trình đầu tư. Cụ thể, dự án của Công ty TNHH KBEC Vina được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, với diện tích 38 ha, công suất chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh khoảng 950 tấn/ngày (dự án không áp dụng công nghệ đốt).

Dự án trên đã đưa vào hoạt động từ năm 2012, hiện đang thực hiện chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt cho 07 huyện, thị xã, thành phố trên đất liền của tỉnh với khối lượng khoảng 850 tấn/ngày; dự án của Công ty TNHH Green HC được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ, có diện tích sử dụng đất khoảng 20 ha, mục tiêu của dự án trong giai đoạn 1 sẽ dưa vào sử dụng khu chôn lấp chất thải sinh hoạt khoảng 149 tấn/ngày và sẽ vận hành vào quý III/2018, ở giai đoạn 2 sẽ cho vận hành nhà máy đốt chất thải sinh hoạt với công suất 150 tấn/ngày và sẽ đi vào hoạt động vào quý IV/2019.

Tuy nhiên, đến nay, khu chôn lấp của giai đoạn 1 Công ty Công ty TNHH Green HC vẫn chưa được đưa vào vận hành theo quy định; đồng thời, việc đầu tư nhà máy đốt cho giai đoạn 2 của Công ty cũng chưa hoàn thành. Còn dự án của Công ty CP Môi trường xanh Bảo Ngọc được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên với diện tích khoảng 8ha, công suất xử lý 500 tấn/ngày (trong đó có dây chuyền tiếp nhận, phân loại, tái chế chất thải rắn sinh hoạt - phân compost), đến nay, dự án mới trong giai đoạn triển khai đầu tư.

Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Khối lượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt của tỉnh đang có xu hướng tăng nhanh, trong khi đó, việc thu gom và xử lý lại đang quá tải, điều đó rất dễ xảy ra ô nhiễm môi trường. Hiện tại, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 900 tấn/ngày, nhưng mới chỉ thu gom, xử lý chôn lấp hợp vệ sinh được khoảng 850 tấn/ngày.

Theo dự báo đến năm 2020 khối lượng phát sinh khoảng 1.250 tấn/ngày. Do đó, nếu 2 dự án của Công ty TNHH Green HC và Công ty CP Môi trường xanh Bảo Ngọc hoàn thành, đưa vào hoạt động thì công suất xử lý chất thải cũng chỉ được khoảng 800 tấn/ngày, nhu cầu còn lại cần được xử lý là 100 tấn/ngày. Nếu vậy đến năm 2020 thì khối lượng còn lại cần xử lý khoảng 350 tấn/ngày.

Ngoài ra, còn khối lượng chôn lấp tại các khu chôn lấp tạm đã đóng cửa cần được xử lý ước tính khoảng 450.000 tấn để cải tạo, phục hồi môi trường. Như vậy, để xử lý hết lượng chất thải sinh hoạt theo tính toán, nhất là sau năm 2020 phù hợp chủ trương của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường thì cần phải có thêm dự án đầu tư mới.

nh 2
Trên 70.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt đang tồn đọng tại Bãi Nhát, huyện Côn Đảo sẽ được vận chuyển vào đất liền để xử lý

Áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường

Cũng theo ông Đặng Sơn Hải, để tiến tới sử dụng những công nghệ thân thiện với môi trường, mới đây, Sở TN&MT đã đề xuất với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc thực hiện giải pháp chuyển đổi mô hình xử lý chất thải từ chôn lấp sang phương pháp đốt, tái chế. Theo đó, đối với chất thải rắn sinh hoạt trên địa huyện Côn Đảo, bao gồm chất thải đang tồn đọng tại Bãi Nhát khoảng trên 70.000 tấn và chất thải rắn phát sinh hàng ngày khoàng 12-15 tấn/ngày sẽ thu gom, đóng gói và bao gói hút chân không đưa vào đất liền để xử lý.

Đối với chất thải rắn sinh hoạt trong đất liền trên địa bàn tỉnh, sẽ đẩy nhanh tiến độ di dời nhà máy xử lý rác của Công ty CP Môi trường xanh Bảo Ngọc từ Phước Hòa về Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, sử dụng công nghệ tái chế phân compost. Đồng thời, yêu cầu Công ty TNHH Green HC khẩn trương đầu tư nhà máy đốt chất thải rắn sinh hoạt, thu hồi năng lượng, công suất xử lý khoảng 300 tấn/ngày.

Với dây chuyền máy móc, thiết bị tiên tiến, được cơ giới hóa, tự động hóa để chất thải được xử lý triệt để, đáp ứng được yêu cầu về kiểm soát khí thải theo quy định. Sau khi nhà máy đốt được đưa vào hoạt động, việc chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại khu chôn lấp thuộc giai đoạn 1 của Công ty sẽ được chấm dứt và được chuyển đổi thành khu vực để chôn lấp tro, xỉ không còn giá trị sử dụng còn lại sau khi đốt.

Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải sau năm 2020, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ kêu gọi đầu tư dự án xử lý chất thải với công suất từ 200-300 tấn/ngày trong Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên. Theo đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ ưu tiên lựa chọn những dự án có công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt mang tính bền vững như sản xuất khí sinh học biogas, phân bón khoáng hữu cơ…

Để sớm chuyển đổi giải pháp chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh sang công nghệ đốt, tái chế theo chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu tại Chỉ thị số 27 ngày 23/3/2018, gần đây, tại cuộc họp để nghe Sở TN&MT báo cáo về công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã yêu cầu Sở TN&MT cần rà soát, tiếp thu ý kiến đóng góp của các Sở, ngành, địa phương để xây dựng hoàn chỉnh phương án, trình xin kiến Thường trực UBND tỉnh để sớm được thực hiện.