Chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp: Mở ra hướng xử lý môi trường toàn diện

Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 16:04, 07/03/2019

(TN&MT) - Những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã bắt đầu ứng dụng các công nghệ sản xuất nông nghiệp phát thải khí nhà kính thấp, mô hình quản lý chất thải nông nghiệp và tạo ra năng lượng sinh học ở nhiều địa phương trên cả nước. Bước đầu, các công nghệ mới đã giúp giải quyết những tồn tại, hạn chế của các biện pháp xử lý môi trường chăn nuôi hiện nay và mở ra hướng xử lý toàn diện hơn.
T8
Máy phát điện chạy bằng khí sinh học. Ảnh: MH

Xử lý toàn diện môi trường

Theo báo cáo của Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp (Bộ NN&PTNT), trong năm 2018, hiệu quả kinh tế cao nhất phải kể đến mô hình sử dụng máy phát điện khí sinh học quy mô lớn lắp đặt ở những trang trại có nhu cầu sử dụng điện trên 30 triệu đồng/tháng. Điển hình như hộ bà Trần Thị Tuyết (Bình Định), sau gần 1 năm vận hành thử nghiệm, máy phát điện khí sinh học đã phát hơn 100.000 kWh điện vào giờ cao điểm, giá trị thu về khoảng 280 triệu đồng. So với trước đây, các trang trại còn tiết kiệm được chi phí mua phát điện diesel dự phòng lên đến hàng trăm triệu, trong khi chỉ sử dụng lúc mất điện lưới.

Bên cạnh đó, mô hình chăn nuôi lợn trên chuồng sàn và không sử dụng nước tắm đã tăng thêm thu nhập cho chủ trang trại thêm 600.000 đồng/đầu lợn tại các mô hình thử nghiệm ở Bắc Giang, Phú Thọ, hiệu quả môi trường rất tốt khi hầu như không còn nước thải chăn nuôi xả ra môi trường. Các mô hình sử dụng nước xả sau biogas để tưới cho cây trồng cũng giúp tiết kiệm được 70 - 100% chi phí mua phân bón hóa học.

Tại một số địa phương, việc hỗ trợ đầu tư máy tách ép chất thải vật nuôi bước đầu đã cho hiệu quả rất khả quan khi tận dụng được hàng tấn phân ép. Với giá bán từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng/tấn, các chủ trang trại có thu nhập bổ sung hàng chục triệu đồng/tháng từ áp dụng công nghệ này. Nhiều trang trại chăn nuôi lợn sau khi được trang bị máy tách ép phân của dự án đã giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn và mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi, như trang trại ông Trần Nghệ Tĩnh ở xã Cẩm Thăng (Hà Tĩnh) tăng từ 3.000 lợn lên 7.000 lợn, trang trại ông Trần Phạm Công ở Châu Thành (Sóc Trăng) đã mở rộng quy mô chăn nuôi từ 3.000 lợn thịt lên 6.000 lợn…

Quan trọng nhất, thành công từ các mô hình đã tác động đến chính sách quản lý ở địa phương. Vừa qua, Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã đề xuất hỗ trợ 70% chi phí thiết bị cho các trang trại chăn nuôi có nhu cầu trang bị máy tách ép phân. Và trong khi chờ HĐND tỉnh thông qua, UBND huyện Can Lộc đã có chính sách hỗ trợ 150 triệu đồng cho các trang trại dự kiến trang bị máy tách ép phân để giảm tình trạng ô nhiễm môi trường chăn nuôi trên địa bàn. Việc yêu cầu các trang trại lớn phải đầu tư máy tách ép phân đã bắt đầu được xem xét khi đánh giá ĐTM của các trang trại chăn nuôi tại Bình Định.

Xem xét tiềm năng nhân rộng

Theo ông Nguyễn Thế Hinh - Phó Trưởng ban Quản lý các dự án, Giám đốc dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp, trên đây là những mô hình khá thành công, nằm trong hợp phần chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp của Dự án. Mục tiêu nhằm thúc đẩy xử lý chất thải nông nghiệp làm phân bón hữu cơ, năng lượng sinh học và các hoạt động tạo thu nhập khác như: sản xuất khí sinh học, sử dụng khí ga sinh ra, sản xuất phân bón hữu cơ và thử nghiệm sử dụng phân bón hữu cơ trên các loại cây trồng). Đến thời điểm hiện tại, các mô hình hoạt động rất hiệu quả, góp phần rất lớn trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, làm thay đổi hành vi, nhận thức của người chăn nuôi, bước đầu góp phần giải quyết nhu cầu phân bón tại chỗ và tăng thêm thu nhập cho các chủ trang trại tham gia dự án.

Đây cũng là cơ sở để xây dựng Chương trình quản lý chất thải chăn nuôi tổng hợp để giảm sử dụng nước trong chăn nuôi, qua đó giúp giảm ô nhiễm môi trường và tăng cường khả năng thu gom và tái sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ. Ngoài ra, các nghiên cứu về công nghệ sử dụng phế phụ phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản làm phân bón hữu cơ và năng lượng sinh học và các công nghệ giảm phát thải khí nhà kính khác cũng đang được xem xét thực hiện trong dự án.

Ngoài các mô hình áp dụng cho trang trại quy mô lớn, trong năm 2018, dự án cũng triển khai mô hình xử lý chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ quy mô nhóm hộ và máy phát điện khí sinh học quy mô nhỏ hộ gia đình. Các mô hình bước đầu góp phần giải quyết hiện tượng thừa khí ga, sản xuất năng lượng chạy máy bơm, bình nóng lạnh, thắp sáng và sưởi ấm cho khu chăn nuôi, từ đó tăng thêm thu nhập cho các chủ hộ thông qua tiết kiệm tiền điện hàng tháng. Đặc biệt, ở những địa bàn thiếu điện, vùng sâu, vùng xa, mô hình càng phát huy hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội.

Ông Hinh cho biết, trong năm 2019, Dự án sẽ tiếp tục cập nhật số liệu về tiềm năng và hiện trạng sử dụng chất thải nông nghiệp của 10 tỉnh tham gia dự án để phục vụ công tác lập quy hoạch quản lý và sử dụng chất thải nông nghiệp nhằm giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đồng thời, tiếp tục đào tạo, tập huấn cho cán bộ khuyến nông, nông dân và các bên có liên quan về các công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp. Năm 2019 cũng là năm kết thúc dự án, bởi vậy, các kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình nghiên cứu và mô hình thí điểm sẽ được tổng kết, từ đó, đề xuất cơ chế chính sách phù hợp để xử lý toàn diện môi trường chăn nuôi trong thời gian tới.