Mang không gian đến gần hơn với cộng đồng

Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 15:53, 18/10/2018

(TN&MT) – Mở rộng quảng bá và giáo dục cộng đồng về lợi ích của không gian, sự phát triển công nghệ vũ trụ là nội dung được nhấn mạnh tại Hội thảo “Ứng dụng viễn thám trái đất sử dụng vệ tinh phục vụ phát triển bền vững và an ninh quốc phòng” do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Công ty Airbus tổ chức sáng 18/10, tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đào Ngọc Chiến – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao – Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, công nghệ vũ trụ (CNVT) là một lĩnh vực công nghệ cao được hình thành dựa trên sự tích hợp từ nhiều ngành công nghệ khác nhau, nhằm mục đích tạo ra các phương tiện như vệ tinh, tàu vũ trụ, tên lửa, trạm mặt đất…để khám phá, chinh phục và sử dụng khoảng không vũ trụ phục vụ lợi ích của con người.

Với tiềm năng đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của CNVT, có thể thấy rằng việc phát triển lĩnh vực khoa học vũ trụ; nghiên cứu, làm chủ và phát triển ứng dụng của CNVT là rất cần thiết đối với Việt Nam. Đồng thời, việc thúc đẩy, tăng cường hợp tác quốc tế trong việc phát triển ứng dụng CNVT tại Việt Nam là một nhu cầu cấp thiết.

ông Đào ngọc Chiến 1
Ông Đào Ngọc Chiến – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao – Bộ Khoa học và Công nghệ khai mạc Hội thảo

Đánh giá xu hướng toàn cầu trong phát triển công nghệ vệ tinh hiện nay, ông Yves Gerard -AIRBUS DS cho rằng, đây là ngành công nghiệp triển vọng phát triển. Hiện nay, chúng ta có khoảng sấp xỉ 1300 vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo. Thị trường vệ tinh bao gồm: vệ tinh viễn thông (54%), viễn thám trái đất (21%), định hướng và khoa học (7%), các vệ tinh khác (9%).

Xu hướng phát triển công nghệ vệ tinh toàn cầu hiện nay tập trung vào khả năng đa kết nối ngày càng cao, xu hướng về độ phân giải. Người sử dụng ngày càng yêu cầu hình ảnh có độ phân giải cao hơn, có thể nói là tuyệt đối. Do vậy, nhiều công ty hiện nay đang phát triển những công cụ quang học mới để mang lại những hình ảnh có độ phân giải cao nhất.

“Dự báo thị trường vệ tinh toàn cầu sẽ chiếm khoảng 184 tỷ euro trong 10 năm tới. Hi vọng rằng, trong thập kỷ tới đây, sẽ có nhiều quốc gia hơn nữa tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu vệ tinh trái đất cũng như mong muốn sở hữu vệ tinh trái đất với chất lượng ngày càng hoàn hảo”, ông Yves Gerard nói.

Ở Việt Nam, chúng ta ngày càng quan tâm đến công nghệ vũ trụ; minh chứng là chúng ta đã sẵn sàng các cơ sở và công nghệ để sở hữu vệ tinh nhỏ sản xuất trong nước vào năm 2020 (năm 2006, kế hoạch tổng thể cho “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng Công nghệ vũ trụ hướng tới năm 2020”).

AIRBUS
Ông Yves Gerard -AIRBUS DS chỉ ra xu hướng phát triển công nghệ vệ tinh toàn cầu

Năm 2008, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đã được phê duyệt. Trong đó, khuyến khích khoa học và hoạt động công nghệ được coi là một trong những hoạt động quan trọng để đạt được khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Để hỗ trợ điều này, vệ tinh quan sát Trái đất là điều cần thiết để có thể giám sát, dự báo và đánh giá tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu. Chính phủ cũng đã phê duyệt chiến lược về công nghệ vũ trụ, phát triển và đầu tư một số vốn nhất định vào lĩnh vực này thông qua Chương trình Nghiên cứu cơ bản và Không gian quốc gia.

Bên cạnh đó, 5-6 trường đại học trên cả nước đã mở ngành học về công nghệ vũ trụ. Bảo tàng không gian, đài quan sát, vũ trụ, câu lạc bộ thiên văn học đang phát triển nhanh chóng thu hút sự chú ý lớn. Các công ty công nghệ đang tiếp cận tầm nhìn của họ về không gian.

Tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Huy, Trung tâm vệ tinh Quốc gia – Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, hiện nay phát triển công nghệ vũ trụ ở Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, ngành công nghiệp chưa quan tâm đến kỹ thuật hàng không vũ trụ vì công nghệ cao, lợi nhuận thấp (sản xuất đơn lẻ), rủi ro cao. Công nghệ vũ trụ còn thiếu sự quan tâm chung của cộng đồng. Tính thiết thực của công nghệ vũ trụ còn là dấu hỏi lớn ở Việt Nam.

toàn cảnh hội thảo viễn thám
Toàn cảnh Hội thảo "Ứng dụng viễn thám trái đất sử dụng vệ tinh phục vụ phát triển bền vững và an ninh quốc phòng”

Trong bối cảnh đó, ông Lê Xuân Huy đề xuất, cần mang không gian đến gần hơn mọi người để tăng kiến thức về lĩnh vực không gian trong cộng đồng. Mở rộng quảng bá và giáo dục cộng đồng về lợi ích của không gian và sự phát triển công nghệ vũ trụ.

Đồng thời, tăng cường kết nối giữa các Bộ, ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu thông qua các hoạt động của Ủy ban không gian Việt Nam. Áp dụng các chinh sách  hỗ trợ phù hợp cho công nghệ cao ở các lĩnh vực để thúc đẩy sự phát triển của họ. Kết nối những người hoạt động trong ngành công nghệ vũ trụ bằng các dự án liên doanh, sự kiện cộng đồng…