Hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố thông minh ASOCIO 2018 - Hà Nội: Kết nối phát triển công nghệ số

Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 14:19, 18/09/2018

(TN&MT) - Ngày 19/8, Hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố thông minh ASOCIO 2018 - Hà Nội (ASOCIO Smart City Summit 2018 - Hanoi) với chủ đề “Xây dựng thành phố thông minh hơn, an toàn hơn bằng các giải pháp số” đã chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội.

Tham dự hội nghị có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung; ông David Wong - Chủ tịch Tổ chức công nghệ điện toán châu Á (ASOCIO); bà Yvonne Chiu - Chủ tịch Liên minh CNTT thế giới (WITSA) cùng hơn 600 đại biểu là lãnh đạo cấp cao các cơ quan Trung ương và thành phố Hà Nội; các tỉnh, thành phố có kế hoạch xây dựng Thành phố thông minh; các hội, hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp chuyên ngành CNTT; gần 70 đại biểu quốc tế từ 20 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới... Đại diện lãnh đạo Bộ TN&MT, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đã tới dự hội nghị.

CHủ tịch Nguyễn Đức Chug
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu khai mạc hội nghị

Sự kiện do UBND thành phố Hà Nội phối hợp cùng ASOCIO - liên minh quốc tế lớn nhất, uy tín nhất về công nghệ thông tin của khu vực châu Á - châu Đại Dương và WITSA – liên minh các hiệp hội CNTT lớn nhất thế giới tổ chức. Năm nay, Thủ đô Hà Nội của Việt Nam được lựa chọn là thành phố mở đầu chuỗi hoạt động quan trọng của ASOCIO dành cho các nước thành viên, với mục đích chia sẻ tầm nhìn, chiến lược, chính sách và kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh; thúc đẩy xây dựng phát triển các đô thị thông minh tại Việt Nam và các quốc gia trong khu vực.

Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Việt Nam có khoảng 30 thành phố đang xây dựng thành phố thông minh và mục tiêu đến năm 2020 sẽ có ít nhất 3 thành phố thông minh. Riêng Thủ đô Hà Nội mong muốn hướng tới một mô hình thành phố thông minh mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Việc thực hiện mục tiêu này trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng với những công nghệ nổi bật như in 3D, thực tế ảo, điện toán đám mây, robot, big data, block chain, trí tuệ nhân tạo đòi hỏi các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý cùng các chuyên gia công nghệ cùng nhau lựa chọn phương thức và các bước đi thích hợp để cùng nhau xây dựng đô thị hay thành phố có thể cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

Hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố thông minh ASOCIO 2018 - Hà Nội là hội nghị quốc tế có quy mô lớn, với sự tham gia của hơn 10 quốc gia cùng các tỉnh, thành phố trong nước. Các chuyên gia đầu ngành về thành phố thông minh, các nhà quản lý, hoạch định chính sách quốc tế và Việt Nam sẽ trực tiếp trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp cụ thể xây dựng thành phố thông minh hơn, an toàn hơn.

ông Wang
Ông David Wong, Chủ tịch Tổ chức công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ông David Wong, Chủ tịch Tổ chức công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) cho biết, xu hướng xây dựng thành phố thông minh là xu hướng chủ đạo trong quá trình chuyển đổi số ở châu Á. Trong bối cảnh ấy, vấn đề đặt ra là phải tăng cường sự kết nối giữa các thành phố, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau cùng giải quyết các thách thức của quá trình đô thị hóa.

ASOCIO sẽ luôn hỗ trợ các đô thị thành viên trong xây dựng thành phố thông minh, và ông David Wong rất tán thành với kế hoạch của TP Hà Nội đến năm 2030, trong đó tập trung vào 3 vấn đề cốt lõi: Y tế, giao thông, du lịch - các vấn đề mà khi xây dựng Thành phố thông minh được đặt ra.

Theo bà Yvonne Chiu, Chủ tịch Liên minh CNTT thế giới (WITSA), khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là nơi tập trung một lượng lớn nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành CNTT và đang phát triển rất nhanh chóng. Đây là động lực quan trọng để phát triển các dịch vụ kỹ thuật số và đảm bảo mục tiêu mọi người dân đều được hưởng lợi từ CNTT. Các quốc gia cần mở rộng hợp tác hơn nữa, đồng thời, tạo điều kiện để thu hút khối doanh nghiệp tham gia vào quá trình này.

Xoay quanh chủ đề "Xây dựng thành phố thông minh hơn, an toàn hơn bằng các giải pháp số", các bài trình bày tại Hội nghị đề cập đến các vấn đề: Đề án phát triển đô thị thông minh của Việt Nam; các chuẩn kết nối cho thành phố thông minh, bảo mật an toàn thông tin khi các thành phố trở nên kết nối hơn; phân tích dữ liệu và lập kế hoạch dựa trên các dữ liệu và đặc biệt là kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh của Thụy Điển; mô hình “xã hội 5.0” của Nhật Bản; các bài học kinh nghiệm trong xây dựng Thành phố thông minh của Malaysia và các xu hướng công nghệ mới cho Thành phố thông minh của Google.

toàn cảnh
Hội nghị thu hút hơn 600 đại biểu tham dự

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh cũng diễn ra 6 hội thảo chuyên đề, bao gồm: Chính quyền số và chiến lược xây dựng thành phố thông minh; Thành phố thông minh hơn với ít giao dịch tiền mặt hơn; Hạ tầng, nền tảng - cơ sở quan trọng cho các thành phố thông minh; Dữ liệu định hướng: Thu thập, phân tích dữ liệu và lập kế hoạch cho các thành phố; Công nghiệp thông minh; Các ứng dụng và giải pháp cho thành phố thông minh.
Nhiều câu hỏi được đặt ra với Hà Nội nói riêng và các thành phố, các đô thị nói chung, đó là: mô hình nào, phương thức nào để triển khai đô thị thông minh, tính “bền vững” của đô thị thông minh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4? Cần hoạch định xây dựng các chính sách như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng một thành phố thông minh? Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng kết nối số và an ninh mạng, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp...