Xử lý rác thải thành phân bón: “Chìa khóa” giải quyết vấn đề ô nhiễm do rác thải sinh hoạt tại Ninh Bình

Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 15:40, 25/05/2018

​​​​​​​(TN&MT) – Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Ninh Bình được xây dựng trên quy mô 23 ha, tại thung Quèn Khó, xã Đông Sơn, TP. Tam Điệp...
(TN&MT) - Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Ninh Bình được xây dựng trên quy mô 23 ha, tại thung Quèn Khó, xã Đông Sơn, TP. Tam Điệp (Ninh Bình) với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng và đi vào hoạt động từ năm 2014. Đến nay, Nhà máy xử lý chất thải rắn này không chỉ thu gom, xử lý cơ bản rác thải sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh mà quan trọng hơn xử lý rác thải thành phân bón, thân thiện với môi trường.
Anh 1
Rác thải sinh hoạt được bắt đầu đưa vào dây chuyền phân loại
Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình được khởi công xây dựng tháng 05/2011 tại thung Quèn Khó, xã Đông Sơn, TP. Tam Điệp trên diện tích 23 ha với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Hàn Quốc và một phần vốn đối ứng trong nước. Nhà máy đi vào hoạt động chính thức vào năm 2014.
 
Nhà máy có dây chuyền và công nghệ xử lý tiên tiến của Hàn Quốc, có chức năng thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn thành phân hữu cơ đạt chất lượng, thân thiện với môi trường đồng thời tạo ra nguồn phân vi sinh cung cấp cho sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn.
Anh 2
Để thành phẩm phân vi sinh đạt chất lượng cao thì công nhân nhà máy phải kết hợp phân loại rác theo phương pháp thủ công
Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình là một trong những nhà máy sở hữu dây chuyển xử lý chất thải rắn tiên tiến và có quy mô lớn nhất miền Bắc cùng trang thiết bị chuyên dụng đồng bộ. Công suất của nhà máy đạt 200 tấn rác/ngày và 40 tấn bùn/ngày đêm. Không những thế, nhà máy còn có bãi chôn lấp rác theo tiêu chuẩn của Hàn Quốc với diện tích 6 ha.
 
Có mặt tại Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình, quang cảnh khá đặc biệt nằm trong thung xung quanh là núi đá có cây xanh,  Nhà máy khá sạch sẽ hầu như đứng bên ngoài dây chuyển xử lý là khó mà phát hiện ra mùi hôi thối khó chịu như các nhà máy rác khác. Bên trong nhà máy, dù dưới thời tiết oi bức thế nhưng các công nhân vẫn miệt mài, tỉ mỉ với công việc từ phân loại rác cho đến thành phẩm cuối cùng là phân vi sinh. Đâu đâu cũng thấy không khí làm việc hối hả, khẩn trương nhưng rất nhuần nhuyễn, nhịp nhàng.
Anh 3
Rác thải sau khi được phân loại, băm nhỏ được tập kết trước khi đưa vào lò ủ
Giám đốc Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình ông Bùi Thanh Quang chia sẻ: Nhà máy có dây chuyển xử lý rác thải với công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc, thế nhưng với điều kiện khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm của Việt Nam, đặc biệt khó khăn nhất là rác thải sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn nên khiến một số chi tiết của dây chuyền chưa phù hợp.
 
Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương cùng đội ngũ cán bộ kỹ thuật của nhà máy đã nghiên cứu cải tiến đảm bảo tính thiết thực, liên hoàn khép kín cho dây chuyền. Không chỉ xử lý, phân loại rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường mà còn tạo ra sản phẩm phân hữu cơ đạt tiêu chuẩn để cung ứng cho thị trường.
Anh 4
Qua dây chuyền và công nghệ xử lý rác thải trở thành phân bón vi sinh, phân bón này sản xuất đến đâu được thị trường tiêu thụ hết đến đó
Về quy trình xử lý rác thải, ông Quang cho biết: Rác thải đầu tiên sẽ đi qua dây chuyền phân loại để tách các tạp chất như nilon, kim loại và các tập chất khác, chỉ giữ lại phần rác hữu cơ, sau đó đi vào lò ủ. Tại lò ủ nhiệt độ cao với thời gian dài sẽ tiêu diệt rất nhiều vi khuẩn, mầm bệnh có hại, sau đó đưa những vi sinh vật có lợi cho việc đẩy nhanh quá trình phân hủy rác vào. Qua một thời gian nhất định sẽ cho ra sản phẩm cuối cùng là phân bón vi sinh.
 
Ban đầu, thị trường nói chung và người dân sở tại nói riêng cũng còn chưa mặn mà, hoài nghi về chất lượng của phân bón vi sinh làm từ rác thải này, thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn trực tiếp quan sát chất lượng, năng suất của các loại cây nông nghiệp được bón từ loại phân này thì người dân lại rất tin tưởng sử dụng. Hiện nay, lượng phân bón vi sinh sản xuất ra không kịp đáp ứng cho nhu cầu thị trường.
 
Còn đối với bãi rác thải chôn lấp theo tiêu chuẩn được xử lý mùi và nước rỉ rác theo tiêu chuẩn Hàn Quốc và có hẳn một nhà máy xử lý nước rỉ rác riêng đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường.
 
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo thành phố Tam Điệp cho biết: Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình đi vào hoạt động không chỉ giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải tại Tam Điệp mà còn là “chìa khóa” giải quyết vấn đề ô nhiễm do rác thải sinh hoạt cho toàn tỉnh Ninh Bình, đồng thời giảm thiểu hẳn tình trạng các bãi rác tự phát. Bên cạnh những kết quả đáng mừng đó thì vẫn còn những khó khăn, đặc biệt là rác thải sinh hoạt không được người dân phân loại tại nguồn nên gây mất rất nhiều thời gian để phân loại, xử lý do đó giảm thiểu năng suất hoạt động. Việc này rất cần đến sự chung tay, đồng lòng, ý thức trách nhiệm cao của bà con nhân dân.