An Giang phê duyệt quy hoạch, bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020

Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 00:00, 27/07/2016

(TN&MT ) - UBND tỉnh An Giang vừa thông qua Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh An Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Gần 1.000 loài thực vật và nhiều động vật quý hiếm sẽ được bảo vệ và phát triển.

An Giang là một trong những tỉnh có hệ sinh thái đa dạng với 1/3 diện tích là vùng đồi núi, 2/3 diện tích còn lại là vùng đồng bằng. Thực vật vùng đồi núi có gần 1.000 loài; khu hệ chim có gần 86 loài tại đồi núi và đồng bằng, trong đó có 05 loài trong sách đỏ Việt Nam và thế giới; thú hoang dã có 15 loài; khu hệ cá có 144 loài; khu lưỡng cư bò sát có 11 loài; khu hệ côn trùng có 112  loài; phiêu sinh thực vật có 149 loài; phiêu sinh động vật có 93 loài và động vật đáy có 39 loài...

Hồ Tà Pạ - nơi có hệ sinh thái rừng tự nhiên lâu đời, quý hiếm
Hồ Tà Pạ - nơi có hệ sinh thái rừng tự nhiên lâu đời, quý hiếm

Đối với hệ sinh thái tự nhiên, tỉnh An Giang có hệ sinh thái rừng kín thường xanh nửa rụng lá ở vùng Thất Sơn và các núi nhỏ (Núi Cấm, Tà Pạ, Cô Tô, Núi Dài, Phú Cường, Dài Năm Giếng, Núi Két, Núi Sam, Núi Ba Thê) tại 4 địa phận huyện Thoại Sơn, Tri Tôn, Tinh Biên và TP. Châu Đốc; hệ sinh thái rừng tràm – đất ngập nước; hệ sinh thái đất ngập nước theo kênh tự nhiên ven bờ sông Tiền, sông Hậu và cồn cát...

Việc thông qua Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh An Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 nhằm mục đích bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, các loài động vật sống, các nguồn gen cây trồng có giá trị kinh tế và bảo tồn cao là hết sức cần thiết.

Tin & ảnh: Giang Sơn