Công nghệ mới phòng ngừa sự cố môi trường

Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 00:00, 18/08/2016

(TN&MT) - Với quá trình "tăng trưởng nóng", Việt Nam ngày càng đối diện với nguy cơ ô nhiễm môi trường do phát thải hóa chất nguy hại, đặc biệt, từ các sự cố...
(TN&MT) - Với quá trình “tăng trưởng nóng”, Việt Nam ngày càng đối diện với nguy cơ ô nhiễm môi trường do phát thải hóa chất nguy hại, đặc biệt, từ các sự cố môi trường là rất lớn. Chính vì vậy, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới để hỗ trợ thực thi quy định pháp lý bảo vệ môi trường là việc làm cấp bách.
 
Ứng dựng KH&CN xử lý sự cố môi trường góp phần không nhỏ giảm thiểu tác hại của ô nhiễm.
Ứng dựng KH&CN xử lý sự cố môi trường góp phần không nhỏ giảm thiểu tác hại của ô nhiễm.
 
Đưa công nghệ mới vào kiểm soát ô nhiễm
 
Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, hiện nay, việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ (KHCN) trong quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường hóa chất và sự cố môi trường đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ. Ngày càng nhiều thành tựu được áp dụng góp phần không nhỏ trong dự báo, phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm. 
 
Đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường với hóa chất phải kể đến là hệ thống đăng ký phát thải và chuyển giao chất ô nhiễm (PRTR). Công cụ này được áp dụng với các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm thu thập các thông tin về loại và lượng các hóa chất cần quan tâm phát thải vào môi trường không khí, đất, nước và chuyển giao trong chất thải rắn của cơ sở. 
 
Một ứng dụng KHCN khác trong bảo vệ môi trường đối với hóa chất là đánh giá rủi ro môi trường do hóa chất. Hoạt động này được nghiên cứu và triển khai thông qua hệ thống đánh giá rủi ro do phát thải hóa chất nguy hại của các cơ cở sản xuất công nghiệp. Hệ thống được thiết kế dựa trên những nghiên cứu lý thuyết về ứng dụng mô hình Gauss - Berliand trong tính toán phát thải và lan truyền các chất ô nhiễm trong không khí và mô hình đánh giá rủi ro của EPA. 
 
Đối với lĩnh vực quản lý Nhà nước về sự cố môi trường đã có khá nhiều kết quả nghiên cứu và ứng dụng với các mức độ khác nhau. Trước hết có thể kể đến việc phát triển và áp dụng các mô hình dự báo diễn biến của sự cố (thường là các sự cố tràn đổ hóa chất, dầu). Mô hình này được xây dựng dựa trên việc mô phỏng diễn biến của vật liệu tràn đổ ra môi trường nước với các dữ liệu về khí tượng, thủy văn, khí hậu và các điều kiện tự nhiên khác. Với các dữ liệu đầu vào (lượng tràn đổ, vị trí sự cố,...) khác nhau theo các kịch bản, mô hình sẽ tính toán được hướng đi, tác động của vật liệu bị tràn đổ để từ đó hỗ trợ cho việc ra quyết định ứng phó. Song song với mô hình này là việc lập bản đồ nhạy cảm là bản đồ chỉ ra các khu vực nhạy cảm sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Tùy từng tình huống cụ thể, người ra quyết định ứng phó sẽ lựa chọn khu vực phù hợp nhằm giảm thiểu tác động của sự cố. Tại Việt Nam hiện nay, mô hình được phát triển cho cả môi trường biển, sông và đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, ví dụ như sự cố ô nhiễm dầu tại các tỉnh, thành phố, sự cố tràn dầu trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh,...
 
Bên cạnh mô hình tính toán, các ứng dụng khác trong lĩnh vực này có thể kể đến như lập bản đồ các khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường hay ứng dụng công nghệ viễn thám trong việc theo dõi và dự báo diễn biến, tác động của sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường. Mô hình này đã được các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam áp dụng trong việc ứng phó với sự cố môi trường ven biển tại các tỉnh miền Trung những tháng vừa qua.
 
Cần tăng cường các nguồn lực
 
Các chuyên gia cho rằng, cần có các quy định cụ thể cho từng nhóm chất độc hại để ưu tiên quản lý, các công cụ kiểm soát ô nhiễm mang tính khuyến khích và các hướng dẫn kỹ thuật kiểm soát, hạn chế phát thải hóa chất trong hoạt động sản xuất kinh doanh là các giải pháp mà nhiều nước phát triển trên thế giới đang sử dụng hiệu quả trong công tác quản lý. Đồng thời, việc nghiên cứu để xây dựng và triển khai các mô hình đánh giá rủi ro ô nhiễm hóa chất cần được tiếp tục đầu tư và hỗ trợ thêm của cơ quan chủ quản.
 
Đối với lĩnh vực quản lý sự cố môi trường, hạn chế lớn nhất nằm ở năng lực của các cơ quan, đơn vị liên quan. Nguyên nhân của tình trạng này là do chưa có sự đầu tư thích đáng nhằm tăng cường năng lực (nhân lực, trang thiết bị), chưa có cơ chế hiệu quả trong việc thông báo, phối hợp, chia sẻ thông tin trong phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường. Yêu cầu đầu tiên trong việc đảm bảo hiệu quả ứng phó sự cố môi trường là thực hiện các hoạt động ứng phó nhanh và phù hợp. Tuy vậy, hiện, tại Việt Nam, chưa có sự hỗ trợ cần thiết để đảm bảo hai tiêu chí quan trọng này. Để ứng phó nhanh cần đảm bảo năng lực và sự sẵn sàng. Để có quyết định phù hợp cần có đủ thông tin và các kỹ năng liên quan đến sự cố môi trường. 
 
Do đó, trong thời gian tới, cần thiết phải xây dựng và thực hiện các phương án tăng cường năng lực trong lĩnh vực này bao gồm tăng cường năng lực về kỹ thuật (phổ biến và hướng dẫn đánh giá rủi ro, đánh giá nhanh tác động và diễn biến của sự cố,...), thiết lập lực lượng phản ứng nhanh với sự hỗ trợ của trung tâm thu nhận và xử lý thông tin phạm vi cấp vùng hoặc toàn quốc nhằm thu nhận và đưa ra các hướng dẫn kịp thời phù hợp với tính đa dạng của sự cố, đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng các công nghệ mới trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường, trong đó, có tính đến các sự cố do thiên tai.
 
Thụy Anh