Điện Biên Đông: Người dân xã Tìa Dình thờ ơ trước nguy cơ sạt lở đất đá

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 18:06, 03/08/2019

(TN&MT) - Bản Tìa Dình C, xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, được xác định là địa bàn cần phải di dời khẩn cấp do nằm trên vùng xung yếu, có vết nứt gãy dài hơn 1.000m, rộng hơn 36cm và có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào, nhất là những tháng trọng điểm của mùa mưa lũ. Mặc dù chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng của huyện Điện Biên Đông đã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân di dời đến nơi an toàn, nhưng đến thời điểm hiện tại, người dân vẫn thờ ơ, chủ quan trước những nguy cơ sạt lở.

 

Vết nứt gãy tại bản Tìa Dình C, xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, được phát hiện từ 7- 8 năm trước, nhưng 2 năm trở lại đây thì càng nghiêm trọng. Nhiều ngôi nhà trong bản của người dân đều có nhiều vết nứt rộng, phần chân móng còn có những vết hở rộng hơn 20cm, sâu đến cả mét.
 

Tráng Vạng Xay, bản Tìa Dình C, xã Tìa Dình, chỉ vết nứt gãy
Ông Tráng Vạng Xay, bản Tìa Dình C, xã Tìa Dình, chỉ vết nứt gãy ngay hiên nhà mình

Cửa hàng kinh doanh của gia đình ông Tráng Vạng Xay, bản Tìa Dình C, xã Tìa Dình, nằm ngay điểm đầu của vết nứt gãy. Ông Xay, cho biết: Gia đình tôi trước đây sinh sống ở bản Tìa Dình B, cách đây 5 năm gia đình tôi chuyển đến bản Tìa Dình C để mở cửa hàng buôn bán tạp hóa. Được một thời gian, phần móng phía cửa quán bắt đầu xuất hiện vết nứt rộng gần 10cm, kéo dài theo chiều dài của ngôi nhà, vết nứt ngày càng to. Đến nay trong nền nhà và cả xung quanh móng nhà các vết nứt gãy ngày càng nhiều. Gia đình tôi phải khắc phục bằng cách lấp bê tông xuống các khe nứt gãy để tránh rắn, rết vào làm ổ.
 

Vết nứt gãy dưới cân tường như một đường xẻ của máy cắt bê tông
Vết nứt gãy dưới cân tường như một đường xẻ của máy cắt bê tông

Vì sao gia đình chưa di dời trong khi nguy cơ sạt lở ngày càng nghiêm trọng (PV)? Ông Xay, chia sẻ: “Gia đình hiện đang kinh doanh ở đây, nếu di dời đi nới khác thì không thể buôn bán được. Hơn nữa, vết nứt gãy chưa thực sự nguy hiểm, nếu xảy ra mưa tôi sẽ túc trực. Nhất là những đêm mưa to, tôi thường phải dung đèn pin để quan sát, theo dõi các vết nứt trong nhà, lỡ có chuyện gì thì còn kịp hô hào mọi người cùng chạy.

Hiện nay, trong bản Tìa Dình C có tổng số 73 hộ dân buộc phải di dời. Trong đó, có 50 hộ là hộ kinh doanh, buôn bán nên các hộ ở đây đều có tâm lý chung chưa muốn di dời. Mặc dù sinh sống trong điều kiện bất an, thấp thỏm, lo lắng, nhất là trong những ngày mưa bão, nhưng vì mưu sinh mà các hộ dân bản Tìa Dình C vẫn bất chấp nguy hiểm.

Ông Tráng A Dia, Chủ tịch UBND xã Tìa Dình, cho biết: Hiện tại chúng tôi đã di dời khẩn cấp Trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND xã Tìa Dình. Trường Tiểu học bán trú và nhà ở bán trú của học sinh trường THCS Tìa Dình. Đồng thời, đặt biển cảnh báo nguy cơ sạt lở tại các điểm có nguy cơ cao trong bản.
 

Trường học cũng đã được di dời đi
Trường học cũng đã di dời đi. Trong ảnh: Tác giả và người dân đang trao đổi bên cạnh vết nứt gãy dưới nền trường học cũ

Đối với các hộ kinh doanh nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, sau mỗi trận mưa to, xã đều cử cán bộ đi kiểm tra vết nứt để có phương án tuyên truyền, vận động nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Mới đây, cán bộ xã đã kiểm tra và báo cáo vết nứt gãy đã rộng tới 36cm. Như vậy là trong 6 tháng qua vết gãy đã nứt rộng thêm 16cm (thời điểm tháng 9/2018, vết nứt rộng khoảng 20cm).

Trước thực trạng trên, ông Vừ A Bằng, Bí thư Huyện ủy, huyện Điện Biên Đông, cho biết: Hiện nay, UBND tỉnh Điện Biên đã bố trí cho địa phương 10 tỷ đồng để di dời khẩn cấp các hộ trong vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn để người dân yên tâm lao động sản xuất. Trước mắt, UBND huyện Điện Biên Đông bố trí hơn 2 tỷ đồng để hỗ trợ các hộ dân ở nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn. Hiện chúng tôi đang nỗ lực triển khai, để tránh những rủi ro đáng tiếc khi mùa mưa lũ đang tràn về.