Quảng Ninh: Bảo tồn, phát huy giá trị rừng ngập mặn Đồng Rui
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:38, 27/06/2019
Gần trưa một ngày cuối tháng 6, trời nắng oi bức, nhưng bên trong những cánh RNM tại huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh vẫn mát lạnh. Những cánh rừng với các loại cây sú, vẹt, trang, đước ken dày đặc và cao quá đầu người, phía dưới là bùn với nhiều loài thủy sản sinh sôi, nảy nở. Đứng dưới tán rừng xanh mát, thi thoảng chúng tôi lại nghe thấy tiếng gọi nhau í ới của những người dân đi bắt thủy sản bên trong những cánh RNM. Đối với người dân các xã Đồng Rui, Hải Lạng, Đông Hải, Đông Ngũ ở huyện Tiên Yên, những cánh RNM là nơi sinh kế và gắn bó từ nhiều năm nay của họ. Dưới tán rừng râm mát của những cánh RNM là nơi trú ngụ những loài hải sản phong phú, như: Tôm, cua biển, ngán, ốc, cáy, run biển là nguồn thu nhập đáng kể cho hàng trăm gia đình.
Theo anh Nguyễn Thế Quảng, thôn Trung, xã Đồng Rui cho biết, gia đình đã làm nghề đánh bắt thủy sản từ nhiều năm nay, với việc đầu tư hàng triệu đồng để mua những cánh lưới đánh bắt tôm, cá, có ngày thu nhập đến cả triệu đồng, nhưng làm nghề này cũng còn phụ thuộc vào con nước thủy triều lên xuống mỗi ngày, thời tiết bão, gió. Còn đối với nhiều hộ trong thôn thì chọn cách đánh bắt đơn giản là đi sâu vào những cánh RNM bắt cáy, ốc, hay đào run biển, mỗi ngày cũng cho thu nhập từ từ 200 đến 300 nghìn đồng.
Có thể nói, rừng là tài nguyên và cũng là lá chắn vững chắc bảo vệ con người mỗi khi có thiên tai, bão lũ, để người dân an cư lạc nghiệp. Vì vậy, nơi nào trồng và bảo vệ tốt RNM thì đê biển dù được đắp từ đất vẫn kiên cường chống chọi lại với những đợt sóng dữ, triều cường trong mùa mưa bão. Như xã Đồng Rui trước đây được xem như một ốc đảo, bao bạo xung quanh là hệ thống đê, phía ngoài đê là những cánh rừng ngập mặn. Những năm 90 của thập kỷ trước, người dân chặt phá RNM để đắp đầm nuôi tôm, hay chặt cây làm củi đun, khiến diện tích rừng giảm nhanh. Vào mùa mưa bão, người dân nơm nớp lo sợ, đối mặt với nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào.
Với việc hình thành lên các đầm nuôi trồng thủy sản ở hầu hết các xã ven biển của huyện Tiên Yên, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều bãi bồi ven biển trở thành các đầm nuôi tôm, cua, cá, cùng với đó là diện tích RNM bị sụt giảm nhanh chóng. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, những đầm tôm ít dần, nhiều khu vực ven biển bị ô nhiễm nghiêm trọng, các loài thủy sinh dần cạn kiệt, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng, nhất là khi có bão lớn xảy ra.
Xác định RNM có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần giảm thiểu thiên tai cho hệ thống đê biển, ổn định cuộc sống của người dân địa phương.
Gần 2 thập kỷ qua, nhiều tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước đã triển khai nhiều dự án trồng RNM như: KTV (Hà Lan), ACTOMANG (Nhật Bản),Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu tài nguyên- môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội)...với hơn 1.300 ha RNM được trồng tại xã Đồng Rui và hàng trăm ha được trồng tại các xã trên địa bàn huyện Tiên Yên.
Được biết, trước khi tổ chức thực hiện dự án, các xã đã tổ chức họp để dân bầu ra ban quản lý dự án, thông qua quy chế làm việc, đẩy mạnh tuyên truyền về quyền lợi và nghĩa vụ đối với người dân trong việc trồng và giữ rừng, đưa ra quy chế rõ ràng về việc xử phạt các hành vi xâm phạm đến rừng. Việc làm này được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ.
Hàng triệu cây vẹt, trang, đước lớn lên và phát triển thành những cánh rừng xanh trải dài như ngày hôm nay đã cho thấy quyết tâm khôi phục hệ sinh thái rừng ngập mặn của người dân xã Đồng Rui nói riêng cũng như người dân huyện Tiên Yên nói chung. Trong đó, xã Đồng Rui là một điểm sáng trong việc trồng và bảo vệ RNM, với việc thành lập các tổ bảo vệ RNM tại 4 thôn trong xã, mỗi tổ từ 5 đến 7 người, cũng như công bố số điện thoại của lãnh đạo xã trong việc ngăn chặn, bắt giữ những người có hành vi xâm phạm, chặt phá RNM trên địa bàn.
Với việc làm này đã góp phần quan trọng, trong việc nâng cao ý thức của người dân về ý nghĩa của việc trồng và bảo vệ RNM. Nhờ vậy, diện tích rừng phòng hộ ven biển của xã Đồng Rui đến nay đã tăng lên gần 2.200 ha. Đây thực sự là vành đai xanh, cũng là lá chắn quan trọng bảo vệ hệ thống đê biển cũng như tính mạng, tài sản của người dân xã Đồng Rui.
Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Rui, Trần Thị Hạnh khẳng định: “Người dân các các xã ven biển Tiên Yên, nhất là người dân xã Đồng Rui đã ý thức được tác dụng của rừng phòng hộ ven biển nên có trách nhiệm trong việc khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản trong khu vực rừng phòng hộ. Việc trồng rừng ngập mặn góp phần không nhỏ trong việc giảm chi phí tu bổ đê điều hàng năm và tạo ra nguồn lợi thủy sản, đây cũng là nguồn sinh kế quan trọng tạo việc làm và nguồn thu đáng kể trong cuộc sống của người dân địa phương”.