Vai trò của doanh nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 17:40, 18/06/2019

(TN&MT) - Ngày 18/6, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã tổ chức hội thảo “Ứng phó biến đổi khí hậu để phát triển bền vững: Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp”.Tham dự hội thảo, có ông Nguyễn Trung Thắng - Phó viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách TN&MT,  cùng đại diện các Trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp và các chuyên gia.  
Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Chủ trì hội thảo, PGS.TS Lê Xuân Đình - Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH). Tác động của BĐKH đối với Việt Nam là rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. 

Tuy nhiên, nhận thức về biến đổi khí hậu của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế, chưa quan tâm tới bảo vệ môi trường, thực hiện mô hình sản xuất và tiêu dùng nhằm phát thải các-bon thấp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Do vậy, việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như huy động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp chung tay cùng Chính phủ trong cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu là hết sức quan trọng.

.TS Lê Xuân Đình - Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo phát biểu khai mạc hội thảo
PGS.TS Lê Xuân Đình - Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo phát biểu khai mạc hội thảo

Hội thảo “Ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững: Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp” được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp về các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, qua đó, tăng cường vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

 

TS Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT
TS Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT trình bày tham luận tại Hội thảo

TS. Nguyễn Hữu Ninh - Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm Nghiên cứu, Giáo dục Môi trường và Phát triển (CERED) nhận định, nhiều doanh nghiệp đã nhận thấy khí hậu tác động lớn đến hoạt động của họ, nhiều mối nguy hiểm có thể xuất hiện trong vòng 5 năm. Theo đó, 500 tỷ USD chắc chắn bị ảnh hưởng ngay lập tức. Vô số rủi ro biến đổi khí hậu, bao gồm tài sản suy yếu, thay đổi thị trường và thiệt hại vật chất do tác động của khí hậu, cũng như tác động hữu hình đến kết quả kinh doanh.

Vấn đề nan giải nhất là vốn tự nhiên đang dần cạn kiệt. Để duy trì cho sản xuất, doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn cho các nguồn vốn khác để bù cho sự thiếu hụt của nguồn vốn tự nhiên mà ở đây là công nghệ về con người.

Ngoài ra, với xu thế phát triển bền vững, các doanh nghiệp có thể bị mất vốn trầm trọng (nhất là trên thị trường quốc tế) khi mà hoạt động của họ bị đánh giá thiếu bền vững.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Ninh, doanh nghiệp có thể đối mặt với các vấn đề kiện tụng do phải chịu trách nhiệm do những thiệt hại liên quan tới cơ sở vật chất hoạt động do mình quản lý dù họ không gây ra. Ví dụ như Hà Nội URENCO phải chịu trách nhiệm bồi thường cho những nạn nhân bị thiệt hại do cây đổ. 

TS Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT đưa ra một số kiến nghị với doanh nghiệp như sau: “Về thích ứng với BĐKH, cần cân nhắc, xem xét các tác động của BĐKH khi thực hiện ĐTM; thực hiện các biện pháp phòng, chống giảm nhẹ thiên tai trong quá trình hoạt động; thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH. Về giảm nhẹ phát thải KNK, cần thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng; đầu tư, ứng dụng năng lượng tái tạo khi có thể; áp dụng các biện pháp, mô hình cac-bon thấp, SXSH, tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu trong SXKD.”

TS. Nguyễn Hữu Ninh - Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm Nghiên cứu, Giáo dục Môi trường và Phát triển (CERED)
TS. Nguyễn Hữu Ninh - Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm Nghiên cứu, Giáo dục Môi trường và Phát triển (CERED)

Ông Phạm Hoàng Hải - Trưởng ban phát triển và quan hệ đối tác, VCCI cho rằng, những hành động doanh nghiệp hiện nay là chưa đủ; sự hỗ trợ của Chính phủ cũng chưa đủ để doanh nghiệp triển khai. Do vậy, cần tăng cường giám sát thực thi luật pháp môi trường của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiêp tiếp cận các nguồn tài chính ưu đãi để đầu tư thay đổi công nghệ sản xuất thân thiện môi trường; hộ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ hợp lý; nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện khung chính sách nhằm thực hiện khung chính sách nhằm thực hiện các mô hình kinh tế mới.

Đại diện của ĐH Kinh tế Quốc dân cũng đưa ra ý kiến, BĐKH là động lực của phát triển mới. Từ BĐKH sẽ dẫn đến kinh tế tuần hoàn, từ đó đưa ra doanh nghiệp mới (doanh nghiệp xanh). Cộng đồng doanh nghiệp cần phải có cuộc thảo luận để cùng các nhà khoa học, các chuyên gia xây dựng mô hình doanh nghiệp thích nghi với BĐKH, có đầy đủ tiêu chí, mô hình lý tưởng. Đặc biệt, nên tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
 

Chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong hoạt động ứng phó với BĐKH trong lĩnh vực công nghiệp than - khoáng sản, ông Trần Miên, Cố vấn Giám đốc – Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường – Vinacomin, Nguyên Trưởng ban Môi trường VINACOMIN cho biết, t thách thức, TKV đã nắm bắt và chuyển hóa để xây dựng giải pháp thành công và chuyển thành cơ hội có tính bền vững: tạo việc làm mới cho thợ mỏ, sản phẩm mới cho xã hội; gắn bó và thân thiết với cộng đồng. Đồng thời, cần có một đội ngũ cán bộ chuyên môn, quản lý có tâm, có bản lĩnh được tập hợp trong một hệ thống ngành dọc từ Tập đoàn đến đơn vị thành viên và thường xuyên được quan tâm nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn. Cùng với đó là có nguồn tài chính cho hoạt động và đầu tư.