Tập đoàn Việt - Úc: Tham gia hội nghị tìm giải pháp nuôi tôm thích nghi với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 18:49, 20/06/2019

(TN&MT) - Trong khuôn khổ Diễn đàn đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2019 vừa được tổ chức tại TP.HCM, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các tổ chức quốc tế đồng chủ trì phiên Diễn đàn chuyên đề “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL”.
H1
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì Diễn đàn chuyên đề nông nghiệp

Trong đó, lãnh đạo các tỉnh thành nuôi tôm trọng điểm vùng ĐBSCL và các doanh nghiệp đầu ngành cũng đã có những ý kiến chia sẻ, bàn luận sôi nổi về các giải pháp trọng điểm cho ngành tôm Việt Nam trong điều kiện thích nghi với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Tham dự phiên Diễn đàn chuyên đề nông nghiệp này có sự tham dự của đại diện các cơ quan Chính phủ, lãnh đạo TP.HCM và các địa phương vùng ĐBSCL, các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển và các chuyên gia thuộc các lĩnh vực có liên quan.

Hiện nay, ĐBSCL đang đối diện với rất nhiều thách thức về BĐKH, trong đó ngành thủy sản mà điển hình là con tôm đã và đang chịu nhiều ảnh hưởng. Ông Lương Thanh Văn - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Việt - Úc đã hiến kế để có những giải pháp giúp con tôm thích nghi với BĐKH và giảm giá thành trong nuôi. Bằng việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi tôm chính là chìa khóa để có thể khắc phục được những tác động từ bên ngoài.

H2
Ông Lương Thanh Văn - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Việt - Úc hiến kế để có những giải pháp giúp con tôm thích nghi với BĐKH

Điển hình, việc chủ động nguồn tôm bố mẹ thẻ chân trắng để lựa chọn ra những thế hệ tôm ưu tú nhất, cho ra nguồn giống chất lượng mà còn thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương về độ mặn nguồn nước, nhiệt độ… Đây chính là yếu tố hết sức quan trọng để tăng tỷ lệ sống trong nuôi tôm, giảm thiểu thiệt hại về chi phí nuôi tôm.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Việt - Úc cũng đã minh chứng bằng những mô hình nuôi tôm hiệu quả như nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính, con tôm được sống trong môi trường an toàn, không chịu tác động bởi khí hậu, thời tiết, dịch bệnh bên ngoài xâm nhập vào. Đây được xem là mô hình hết sức tiên tiến, nâng cao hiệu quả sản xuất và an toàn sinh học, đặc biệt là những biến đổi của khí hậu, thời tiết, môi trường sẽ được khắc phục tối đa.

Với những giải pháp công nghệ vượt trội đã và đang không ngừng đầu tư trong từng phân khúc, Tập đoàn Việt - Úc với vị thế hàng đầu ngành tôm đang ngày càng được sự tin tưởng và đồng hành cùng Chính phủ, Bộ NN&PTNT và các tỉnh, thành trọng điểm để cùng xây dựng các giải pháp chiến lược nhằm nâng cao giá trị và thương hiệu tôm quốc gia.

H3
Quang cảnh phiên Diễn đàn chuyên đề nông nghiệp

Tại Diễn đàn chuyên đề nông nghiệp lần này, các đại biểu, các chuyên gia, các nhà khoa học đã thảo luận, đưa ra quan điểm, mục tiêu, định hướng và các giải pháp then chốt theo các chủ đề: Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp sử dụng tài nguyên hiệu quả, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nông nghiệp bền vững, thúc đẩy liên kết trong phát triển nông nghiệp bền vững, huy động và sử dụng các nguồn lực cho phát triển các mô hình sinh kế bền vững thích ứng BĐKH.

Trong đó, ngành tôm đã đến lúc cần có sự tái cơ cấu và chuyển đổi từ nuôi quy mô nhỏ lẻ, manh mún, đến đầu tư theo chuỗi và liên kết lại với nhau, lan tỏa các công nghệ đến các hộ nuôi, làm sao để phần nào khắc phục được những khó khăn do ảnh hưởng từ BĐKH hay nhiều thách thức khác đang ngày một nhiều, sự cạnh tranh giữa con tôm Việt Nam với con tôm các nước khác ngày càng lớn.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cũng đề cao những giải pháp này và khẳng định tầm quan trọng của các doanh nghiệp đầu ngành, đây sẽ là những cánh chim đầu đàn để liên kết và chung tay đưa ngành nông nghiệp nói chung và con tôm Việt nói riêng ngày càng phát triển bền vững.