Bến Tre: Thống nhất phương án đầu tư các dự án chống sạt lở

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 18:34, 21/05/2019

(TN&MT) - Mới đây, sau khi tổ chức đoàn đi khảo sát thực tế và nghe các đơn vị chuyên môn báo cáo nội dung liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, ông Cao Văn Trọng đã kết luận thống nhất phương án đầu tư các dự án khẩn cấp bảo vệ bờ biến, bờ sông theo Quyết định số 64/QĐ-TTg ngày 14/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ. 
H1
Bờ biển Cồn Ngoài (Ba Tri) sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến công trình xây dựng và đời sống dân sinh

Theo đó, Dự án Kè chống sạt lở Cồn Phú Đa, huyện Chợ Lách, đoạn sạt lở phía bờ Nam, vừa qua ngân sách tỉnh, huyện đã đầu tư tuyến đê bao bằng đất phía trong đồng, hiện cơ bản đã bảo vệ được sản xuất của người dân trong khu vực. Do vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đề nghị Ban Quản lý dự án và tư vấn thiết kế nghiên cứu khôi phục lại tuyến đê ngoài, gia cố phía sông bằng giải pháp mềm để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả đầu tư. Qua đó, nguồn vốn Trung ương phân bổ tiết kiệm được tiếp tục đầu tư chống sạt lở phía bờ Bắc, đoạn có chiều dài khoảng 400m.

Đối với Dự án Kè giảm sóng bảo vệ bờ biển khu vực Cồn Bứng, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, Lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre cơ bản thống nhất phương án thiết kế theo tư vấn đề xuất là đầu tư tuyến kè theo dạng kè mềm bằng túi Geotube. Tuy nhiên, trong dự án này, UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu đơn vị tư vấn nghiên cứu thêm về giải pháp thiết kế.

Cụ thể, đoạn kè 860m khu vực Cồn Bửng, ngoài việc đảm bảo cho việc chống sạt lở bảo vệ khu di tích, phải tính đến yếu tố mỹ quan trong phát triển du lịch. Đối với đoạn kè 3.700m khu vực xã Thạnh Phong, nghiên cứu vị trí đặt túi Geotube cho phù hợp, đảm bảo vừa chống sạt lở, vừa tăng tối đa tốc độ và diện tích gây bồi.

Riêng Dự án Kè giảm sóng bảo vệ bờ biển khu vực Cồn Ngoài, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri thì thống nhất phương án thiết kế kè cứng bằng bê tông cốt thép. Phần đường giao thông trên tuyến kè, yêu cầu phải được thiết kế đồng bộ với tuyến đường vành đai và đường ra Cồn Nhàn, Cồn Ngoài về chiều rộng xe chạy và tải trọng nhằm tạo thành tuyến liên thông để phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư và phù hợp với hiện trạng, ông Cao Văn Trọng đề nghị, Ban Quản lý dự án và tư vấn thiết kế nghiên cứu, bổ sung hạng mục san lắp mặt bằng sau tuyến kè bằng nguồn vật liệu tại chỗ. Phần mặt bằng sau đầu tư được giao cho địa phương quản lý để phát triển các dịch vụ phục vụ du lịch.

H2
Sạt lở tại Cồn Bửng (Thạnh Phú) làm mất đất, mất rừng phòng hộ ven biển

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cũng đã giao cho Ban Quản lý dự án tỉnh tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn đầu tư đoạn kè còn lại để sớm kết nối tuyến đường Vành đai với đường ra Cồn Nhàn, Cồn Ngoài; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nguồn vốn để đầu tư hoàn thành tuyến đường Vành đai đoạn còn lại trong năm 2019.

Được biết, theo Quyết định số 64/QĐ-TTg ngày 14/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ, tại tỉnh Bến Tre Tre có 03 dự án được đầu tư, với tổng kinh phí 140 tỷ đồng bằng nguồn vốn từ Trung ương hỗ trợ cho các địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển.

Trong đó, Dự án Kè chống sạt lở Cồn Phú Đa, huyện Chợ Lách kinh phí 40 tỷ đồng; Dự án Kè giảm sóng bảo vệ bờ biển khu vực Cồn Ngoài, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri 40 tỷ đồng; và Dự án Kè giảm sóng bảo vệ bờ biển khu vực Cồn Bứng, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú kinh phí 60 tỷ đồng.

Theo thống kê, toàn tỉnh Bến Tre hiện có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển, với tổng chiều dài 138km. Trong tổng số 112 điểm trên có 5 điểm sạt lở nghiêm trọng (3 điểm sạt lở bờ biển và 2 điểm sạt lở bờ sông), gây ảnh hưởng trực tiếp đến công trình hạ tầng quan trọng, khu dân cư sinh sống tập trung cần xử lý cấp bách.