Trái đất đối mặt với tuyệt chủng nếu càng nóng lên và biến đổi khí hậu gia tăng: Nhiệt độ tăng - gần hơn nguy cơ tuyệt chủng
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 12:00, 09/05/2019
Thiên nhiên suy giảm chưa từng có
Dựa trên các bằng chứng khoa học, IPBES khẳng định, thiên nhiên đang suy giảm trên toàn cầu với tốc độ chưa từng có trong lịch sử loài người. Tốc độ tuyệt chủng loài toàn cầu hiện nay cao hơn từ hàng chục đến hàng trăm lần so với mức trung bình trong 10 triệu năm qua. Sự phong phú trung bình của các loài bản địa ở hầu hết các môi trường sống trên đất liền đã giảm ít nhất 20%, chủ yếu kể từ năm 1900. Tính toàn vẹn môi trường sống trên cạn giảm 30% do mất môi trường sống và môi trường sống bị suy thoái.
Báo cáo cho thấy, trong số 8 triệu loài động vật và thực vật trên Trái đất, có tới 1 triệu loài hiện đang có nguy cơ tuyệt chủng, nhiều loài bị tuyệt chủng chỉ tính theo thập kỷ.
Theo ngài Yann Laurans, Giám đốc Chương trình Đa dạng sinh học và Hệ sinh thái (Viện Phát triển Bền vững và Quan hệ quốc tế IDDRI), nguyên nhân đầu tiên của sự mất đa dạng sinh học là sự thay đổi trong sử dụng đất, hướng tới một nền nông nghiệp ngày càng công nghiệp hóa. Ước tính diện tích rừng toàn cầu đã giảm 1/3 so với thời kỳ tiền công nghiệp. Con người khai phá đất đai ở các hệ sinh thái nguyên sinh để mở rộng sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, nhưng phương pháp canh tác không thân thiện môi trường đang làm suy thoái đất, cạn kiệt nguồn nước ngọt và giảm thụ phấn tự nhiên từ các loại động vật.
Bên cạnh đó, các nguồn cá biển lớn đang biến mất đi do đánh bắt quá mức. Việc đánh bắt cá công nghiệp diễn ra trên 55% diện tích đại dương trên thế giới. Các hoạt động đánh bắt cá bền vững đang diễn ra quá chậm và quy mô quá nhỏ để giải quyết một cách có ý nghĩa cuộc khủng hoảng này. Đến nay, 66% môi trường biển đã bị thay đổi nghiêm trọng bởi hành động của con người. Các nhà khoa học dự kiến, sản lượng đánh bắt hải sản từ đại dương sẽ giảm khoảng 3 - 10% do biến đổi khí hậu vào cuối thế kỷ này. Môi trường sống ven biển bị suy giảm sẽ tác động tiêu cực đến cuộc sống của khoảng 100 - 300 triệu người dân ở vùng ven biển. Đồng thời, khoảng 400 hệ sinh thái ven biển sẽ trở thành những vùng biển chết, tương đương (hơn 245.000 km2).
Các nghiên cứu cũng chỉ ra, sự bùng nổ dân số toàn cầu, đô thị hóa cũng làm gia tăng áp lực lên các không gian tự nhiên và làm ô nhiễm môi trường. Hàng năm, các vùng biển trên thế giới hứng chịu khoảng 300 - 400 triệu tấn kim loại nặng, dung môi, bùn độc và các chất thải công nghiệp khác. Ô nhiễm chất thải nhựa đã tăng gấp 10 lần kể từ năm 1980. Ngoài ra, thế giới đã ghi nhận khoảng 2.500 cuộc xung đột về nhiên liệu hóa thạch, nước, thực phẩm và đất đai. Xu hướng này sẽ tiếp tục, đặc biệt ở các khu vực chịu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học và chức năng hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên...
Bảo vệ khí hậu để giữ vững đa dạng sinh học
Các khuyến nghị của IPBES khẳng định, việc ứng phó BĐKH cần phải song hành với bảo vệ đa dạng sinh học. Bởi BĐKH đang khiến đa dạng sinh học bị mất đi nhanh hơn và khi thiên nhiên rơi vào tình trạng mất cân bằng sinh thái, tác động của BĐKH khi xảy ra sẽ ngày càng khủng khiếp hơn. Các giải pháp giải quyết khủng hoảng khí hậu cũng góp phần cải thiện đa dạng sinh học, nước, đất cũng như sức khỏe của con người.
Các nhà khoa học đã chạy mô hình so sánh với các kịch bản khí hậu trong tương lai của Ủy ban Liên Chính phủ về BĐKH IPCC, để xem mức tăng nhiệt độ và sự phá vỡ khí hậu liên quan có thể ảnh hưởng đến đa dạng sinh học như thế nào. Kết quả, tỷ lệ các loài ước tính có nguy cơ tuyệt chủng khi Trái đất tăng 2oC là 5%. và mức tăng lên tới 16% nếu nhiệt độ tăng ở 4,3oC .
Theo ông Robert Watson, Chủ tịch IPBES, thời gian qua, thế giới đã chứng kiến những hành động và sáng kiến đầu tiên cho sự thay đổi mang tính chuyển dịch, như chính sách phát triển tích hợp giảm phát thải của nhiều quốc gia, chính quyền địa phương và doanh nghiệp; từ những nhóm hành động trẻ toàn cầu đằng sau phong trào VoiceforthePlanet, đến các cuộc tuần hành vì khí hậu. Mặc dù vậy, các nỗ lực là chưa đủ và Thỏa thuận Paris có nguy cơ không đạt được mục tiêu giữ nhiệt độ không tăng quá 1,5oC vào cuối thế kỷ này,
Chủ tịch IPBES kêu gọi các quốc gia cần phải có hành động khẩn cấp trước khi một lượng lớn các loài đã bị mất đi. “Báo cáo đánh giá toàn cầu về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái” là cơ sở khoa học vững chắc cho khung đa dạng sinh học và các mục tiêu thập kỷ mới, sẽ được quyết định vào cuối năm 2020 dưới sự bảo trợ của Công ước Liên Hợp Quốc về đa dạng sinh học, đồng thời, làm căn cứ đáng tin cậy để các nhà hoạch định chính sách đề ra quyết định, chính sách và hành động cụ thể trong thời gian tới.