TP.HCM: Giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước khu vực trung tâm
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:36, 29/03/2019
Năm 2019, TP.HCM đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện có hiệu quả tiêu và nhiệm vụ đã đặt ra của Chương trình Giảm ngập nước giai đoạn 2016 - 2020. Tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm thành phố và một phần của 5 lưu vực ngoại vi (Bắc, Tây, Nam, một phần Đông Bắc, Đông Nam) rộng 550km2 với khoảng 6,5 triệu dân; đồng thời, cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước và tạo cảnh quan đô thị, góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường thành phố.
Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện 07 dự án giải quyết 09/15 tuyến đường ngập nước do mưa; thi công hoàn thành dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) để giải quyết 04/09 tuyến đường ngập nước do triều; thi công hoàn thành dự án Nâng cấp, mở rộng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 2, công suất 469.000 m3/ngày và khởi công nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè, công suất 480.000 m3/ngày.
Để hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ trên, TP.HCM đề ra hàng loạt giải pháp có sự tham gia của nhiều sở, ban, ngành, UBND quận huyện. Theo đó, Thành phố sẽ nâng cao chất lượng quy hoạch, hiệu quả quản lý quy hoạch; triển khai quy chế, giải pháp liên kết giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trong đó, Sở Quy hoạch Kiến trúc nghiên cứu rà soát những khu vực trũng thấp có thể tận dụng để xây dựng các hồ điều tiết giảm ngập, tăng dung tích trữ nước, tạo cảnh quan đô thị, đặc biệt là những khu vực thuộc phía Nam thành phố, xác định khu vực hồ điều tiết cấp vùng, cho khu đô thị; hoàn thành trong quý II năm 2019 để phục vụ cho công tác điều chỉnh Quy hoạch tổng thể thoát nước TP.HCM đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Sở TN&MT giữ lại các tuyến sông, kênh, rạch khi thực hiện giao đất tại các dự án phát triển đô thị; yêu cầu các Chủ đầu tư thực hiện nghiêm quy hoạch chung và Quyết định số 22/2017/QĐ-UBND ngày 18/4/2017 của UBND TP.HCM về ban hành quy định về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, suối, kênh, rạch, mương và hồ công cộng thuộc địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ rà soát, bổ sung chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo bước đột phá đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình giảm ngập; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hạ tầng thoát nước, xử lý nước thải.
Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách để đẩy mạnh mời gọi đầu tư các dự án bằng hình thức đối tác công tư; ưu tiên kết hợp các dự án đa mục tiêu, kết hợp các yếu tố trong 04 Chương trình đột phá về Giảm ngập nước, Giảm ùn tắc giao thông, Chỉnh trang đô thị và Giảm ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, UBND các quận - huyện cần thường xuyên thực hiện công tác tuần tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp xâm hại hệ thống thoát nước. Trong năm 2019 xử lý dứt điểm 38 vị trí lấn chiếm cửa xả thoát nước, 62 vị trí lấn chiếm hầm ga thoát nước,74 trường hợp lấn chiếm tuyến cống thoát nước, 39 vị rí lấn chiếm kênh, rạch thoát nước; 17 vị trí bị ảnh hưởng thoát nước do thi công các dự án
TP.HCM sẽ tập trung thực hiện các giải pháp công trình để phục vụ giải quyết ngập như: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện 7 dự án giải quyết 9 điểm ngập do mưa và 1 dự án giải quyết 4/9 tuyến đường ngập do triều; tập trung tiến độ thực hiện các dự án thu gom và xử lý nước thải; ưu tiên đầu tư các dự án giải quyết ngập cho lưu vực, dự án nạo vét, cải tạo kết hợp chỉnh trang các tuyến sông, kênh, rạch phục vụ thoát nước; tập trung triển khai các dự án đầu tư năm 2019.
Ngoài ra, TP.HCM sẽ đẩy mạnh tăng cường liên kết, hợp tác khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực dự báo phục vụ công tác xóa, giảm ngập nước: Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân.