Hỗ trợ xây dựng kế hoạch thích ứng BĐKH tại Việt Nam
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 16:55, 22/01/2019
Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu và ông Koji Kumamaru - Phó Vụ trưởng Vụ Thích ứng với BĐKH, Cục Môi trường Toàn cầu, Bộ Môi trường Nhật Bản đã chủ trì hội thảo. Tham dự có đại diện Bộ Môi trường Nhật Bản, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, các nhà khoa học thuộc Trường Đại học, Viện nghiên cứu 2 nước và đại diện Sở TN&MT các tỉnh/thành tham gia dự án.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Nguyễn Tuấn Quang cho biết: Trong khuôn khổ Đối thoại chính sách Việt Nam – Nhật Bản hàng năm về môi trường và BĐKH do Bộ TN&MT Việt Nam và Bộ Môi trường Nhật Bản phối hợp thực hiện, hai bên đã hợp tác triển khai Dự án Hỗ trợ xây dựng kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam, tập trung cho 3 tỉnh, thành phố.
Trong bối cảnh Bộ TN&MT đang xây dựng Kế hoạch quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP) giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn 2050, kết quả nghiên cứu của Dự án trên sẽ góp phần hỗ trợ Bộ TN&MT có thêm thông tin, cơ sở lý luận và thực tiễn để xây kế hoạch tổng thể quốc gia thích ứng với BĐKH một cách hiệu quả.
Theo đại diện Bộ Môi trường Nhật Bản, dự án đã triển khai giai đoạn đầu tại Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng. Cụ thể là thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa các bên liên quan của 2 nước; đánh giá tác động của BĐKH ở các địa phương, từ đó đề xuất một kịch bản thích ứng dựa trên các ưu tiên cụ thể. Ở cấp quốc gia, dự án hỗ trợ các cơ quan liên quan lồng ghép các phân tích, tính toán khoa học vào quá trình xây dựng dự thảo NAP. Ở cấp địa phương, chính quyền được hỗ trợ tích hợp vấn đề thích ứng vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển tương ứng, phát triển các khung dự án thích ứng phù hợp với điều kiện địa phương.
Trên cơ sở dữ liệu đầu vào tại 3 tỉnh, thành và Kịch bản BĐKH và nước biển dâng của Việt Nam (bản cập nhật năm 2016), các chuyên gia đến từ Nhật Bản đã sử dụng các mô hình tính toán khoa học để phân tích, đánh giá và đưa ra các kịch bản tác động chính trên nhiều phương diện. Từ đó, đề xuất các khuyến nghị giải pháp và hành động chính sách cho từng địa phương. Đại diện các nhóm nghiên cứu đã chia sẻ các kết quả này tại hội thảo tổng kết.
Cũng tại hội thảo, Cục BĐKH đã trình bày những nội dung chính của dự thảo NAP giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 dựa trên nhu cầu thích ứng BĐKH của Việt Nam. Đại diện 3 Sở TN&MT chia sẻ những kết quả đạt được trong khuôn khổ Dự án, bên cạnh đó là nỗ lực của các địa phương về xây dựng và triển khai các hoạt động ứng phó BĐKH, cả trong thích ứng và giảm nhẹ phát thải.
Qua thảo luận chung, nhiều ý kiến băn khoăn về việc, địa phương hiện đang phải xây dựng một số kế hoạch tương tự như kế hoạch hành động ứng phó BĐKH, tăng trưởng xanh hay thực hiện Thỏa thuận Paris, và giờ nếu hoàn thành NAP thì địa phương tiếp tục xây dựng kế hoạch thích ứng. rất khó để phân biệt rạch ròi giữa các kế hoạch này. Một số tác động của BĐKH chưa được tính đến như ngập lụt đô thị, nước biển dâng làm mất diện tích đất nông nghiệp, sự gia tăng thiệt hại do các loại hình thiên tai thời đoạn ngắn…
Về phía Nhật Bản cho rằng, hiện nay, NAP mới là dự thảo ban đầu nên thời gian tới còn cần nhiều đợt tham vấn các Bộ, ngành, địa phương liên quan. Các chuyên gia đề xuất nên xây dựng cơ chế tham vấn trực tiếp với các Sở, ngành địa phương; đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường liên kết với các cơ sở nghiên cứu khoa học để có thông tin đầu vào đáng tin cậy.
Đại diện Cục BĐKH, ông Nguyễn Tuấn Quang cho biết, trong giai đoạn thực hiện tiếp theo, nếu được triển khai, dự án sẽ có điều chỉnh, đưa ra phương pháp thống nhất hơn và có kiểm chứng cụ thể. Trong NAP sẽ có hướng dẫn cụ thể để tránh trùng lặp với các kế hoạch khác và dựa vào đó, các địa phương cũng phải xây dựng kế hoạch thích ứng riêng.