Chính sách biến đổi khí hậu đáp ứng yêu cầu mới

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:45, 11/12/2018

(TN&MT) - Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) thời gian qua đã có nhiều đóng góp quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật của Việt Nam về biến đổi khí hậu (BĐKH), cũng như thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó BĐKH. Trong bối cảnh mới khi thế giới thông qua Thỏa thuận Paris và Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, các đối tác phát triển kỳ vọng Việt Nam sẽ có nhiều hành động hơn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả các chính sách về ứng phó BĐKH.
image003
Giám sát khí hậu để chủ động ứng phó với thiên tai mà một mục tiêu của Chương trình SPRCC

Tại phiên họp toàn thể về Chương trình SP-RCC mới đây, các đối tác phát triển gồm Ngân hàng Thế giới (WB); Cơ quan phát triển Pháp (AFD); Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA); Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ)) đã trao đổi với các Bộ về kết quả đợt rà soát, đánh giá tiến độ thực hiện Khung chính sách SP-RCC các năm 2016, 2017, 2018 của Việt Nam. Nhìn chung, các bộ, các đơn vị đã chủ động, nỗ lực xây dựng và hoàn thiện các hành động chính sách theo cam kết.

Báo cáo tổng kết đợt giám sát chương trình qua từng năm, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết, các Bộ, các đơn vị đã hoàn thành 24 trong tổng số 30 hành động chính sách (HĐCS) thuộc Khung chính sách 2016, được Chính phủ phế duyệt.

Các HĐCS còn lại dự kiến sẽ hoàn thành trong thời gian tới, như HĐCS “Xây dựng và ban hành quy định về bảo vệ lòng, bờ bãi sông” đã được Bộ TN&MT lồng ghép vào Nghị định quản lý cát lỏi lòng sông theo yêu cầu của Chính phủ, đang gửi Bộ Tư pháp thẩm định; Luật Đa dạng sinh học sửa đổi dự kiến cũng sẽ hoàn thành trong năm 2018; Thông tư hướng dẫn quy trình, thủ tục đánh giá công trình xanh do Bộ Xây dựng thực hiện dự kiến sẽ được ban hành trong năm 2019; Quy hoạch tổng thể phát triển điện từ chất thải rắn  đến năm 2025, tầm nhìn 2035 đang trong quá trình đánh giá  môi trường chiến lược. Riêng HĐCS xây dựng các tài liệu tập huấn quốc gia về tăng cường năng lực ứng phó với BĐKH của ngành y tế được đề nghị chuyển sang Khung chính sách năm 2018 do chậm tiến độ.

Khung chính sách năm 2017 có 18 trong tổng số 25 HĐCS đã được hoàn thành, trong đó, một số HĐCS được nâng cấp từ Thông tư do Bộ ban hành lên thành Nghị định do Chính phủ ban hành, từ Quyết định lên Thông tư. Năm 2018 mới có 12 HĐCS đã hoàn thành trong tổng số 29 HĐCS (41%), tuy vậy, các đơn vị khẳng định phấn đấu đến hết năm có thể nâng số lượng HĐCS hoàn thành đạt 75 - 80%. Theo ông Tấn, một số HĐCS chậm hoàn thành do lý do bât khả kháng như thay đổi trong quy đinh jchung (Luật Quy hoạch, Sửa đổi các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ Môi trường…), thay đổi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thực hiện, chưa đủ cơ sở khoa học và cần thêm hỗ trợ kỹ thuật…

Đánh giá cao các kết quả thực hiện SPRCC của Việt Nam, đại diện các đối tác phát triển cho rằng, thời điểm năm 2020 không chỉ đánh dấu kết thúc Chương trình SPRCC giai đoạn này, mà còn khởi đầu thực hiện các cam kết trong NDC, cũng như một kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mới của Việt Nam.

Bởi vậy, Chương trình SPRCC trong tương lai cần tập trung nhiều hơn kết quả đầu ra là các chính sách, nâng cao chất lượng công tác điều phối giữa các cơ quan Chính phủ và các đối tác phát triển nhằm đạt được các mịc tiêu trong NDC của Việt Nam. Trong 2 năm tới, các cuộc đối thoại cần được mở rộng để xem xét đánh giá các chỉ số hoàn thành khung chính sách các năm trước, thảo luận về các kết quả mong đợi trong tương lai, đối chiếu với các mục tiêu khí hậu và từ đó, xây dựng các HĐCS phù hợp.

Theo đại diện AFD đề nghị cần có cơ chế tài chính gắn kết Chương trình SPRCC với những dự án đầu tư cụ thể thể hiện hiệu quảu của các chính sách, ví dụ ở những địa phương hưởng hỗ trợ gián tiếp từ nguồn tiền của chương trình. HIện, AFD đã ký kết hỗ trợ thêm 100 triệu EURO cho SPRCC, nhưng chưa được giải ngân do chưa bố trí trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016- 2020.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành hoan nghênh các đối tác phát triển đã hỗ trợ kỹ thuật hiệu quả cho các Bộ trong quá trình xây dựng chính sách và tiếp tục các hỗ trợ tài chính cho phát triển. Chương trình SPRCC cũng cần có những điều chỉnh cho phù hợp để làm sao đến năm 2020, khung chương trình mới sẽ rõ ràng hơn và phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới.  Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đánh giá, Bộ TN&MT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đánh giá toàn diện tiến độ thực hiện khung chính sách thuộc chương trình SPRCC, trong đó, đưa đề xuất lồng ghép Chương trình SPRCC vào kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris trong thời gian tới.

Chương trình SPRCC giai đoạn 2016 - 2020 gồm 8 mục tiêu tổng thể: Chủ động sẵn sàng ứng phó với thiên tai và giám sát khí hậu; Đảm bảo an ninh nước và an ninh lương thực trong điều kiện biến đổi khí hậu; Chủ động ứng phó với mực nước biển dâng và rủi ro thiên tai tại những vùng dễ bị tổn thương; Quản lý và phát triển rừng bền vững; Giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội.tăng cường năng lực cho cơ quan chính phủ ứng phó với BĐKH; Nâng cao năng lực cộng đồng ứng phó với BĐKH; Đa dạng hóa nguồn lực tài chính và tăng hiệu quả đầu tư cho BĐKH.

Hàng năm, các đối tác phát triển và các Bộ, ngành của Việt Nam sẽ tổ chức các đợt rà soát, đánh giá kết quả thực hiện khung chính sách các năm trước và đề xuất khung chính sách cho năm tiếp theo.