Cấp chứng chỉ rừng bền vững cho 1 triệu ha rừng

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 15:34, 11/12/2018

(TN&MT) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ tổ chức cấp chứng chỉ rừng cho 1 triệu ha rừng trồng sản xuất, phòng hộ. Việc cấp chứng chỉ rừng thành công sẽ giúp cho việc quản lý rừng bền vững, hướng tới mở rộng diện tích rừng trở thành bể hấp thụ cacbon, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Dù lợi ích lớn song để cấp chứng chỉ cho 1 triệu ha rừng là thách thức lớn đối với ngành lâm nghiệp nếu không có thêm những chính sách, giải pháp quyết liệt hơn trong thời gian tới.

image004
Cấp chứng chỉ rừng bền vững là một giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính

Tạo sự đồng thuận trong cộng đồng

Thống kê từ Vụ Phát triển sản xuất Lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT) cho biết, đến nay, Việt Nam đã có khoảng 235.000 ha (88.000 ha rừng tự nhiên; 147.000 ha rừng trồng) đã được cấp chứng chỉ rừng bền vững. Đây là con số khá khiêm tốn so với tổng diện tích hơn 14 triệu ha rừng hiện nay của cả nước.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, đây vẫn là nỗ lực lớn trong bối cảnh Việt Nam bước đầu tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng. Ghi nhận từ các địa phương qua một thời gian xây dựng và triển khai một số chính sách liên quan, chính quyền và cộng đồng dân cư nơi thực hiện các hoạt động quản lý rất đồng thuận với chủ trương và các hoạt động Quản lý rừng bền vững. Giá gỗ có chứng chỉ cao hơn không có chứng chỉ từ 15-20%, ngoài việc nâng cao giá trị về kinh tế còn giúp cho đầu ra của sản phẩm rất ổn định.

Cơ bản các chủ rừng Nhà nước (Các công ty lâm nghiệp, các Ban quản lý rừng) đã tuân thủ theo các hướng dẫn của Thông tư 38/2014/TT-BNNPTNT-TCLN và đáp ứng được hầu hết các yêu cầu của tiêu chuẩn Quốc tế. Chính sách đối với rừng sản xuất của Chính phủ ban hành thể hiện tại Quy chế quản lý rừng sản xuất (Quyết định 49/2016/QĐ – TTg, ngày 1/11/2016) phần nào đã tạo cơ chế mềm dẻo và trao quyền chủ động trong quản lý và kinh doanh rừng cho các chủ rừng. Nhận thức về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường của cán bộ viên chức và cộng đồng dân cư trong vùng đã được nâng lên rõ rệt. Các hoạt động quản lý rừng bền vững cũng giúp chủ rừng cải thiện đáng kể hệ thống và phương pháp quản lý rừng.

Công nghiệp gỗ xuất khẩu của Việt Nam đa số được tiêu thụ tại các nước phát triển với quy định nghiêm ngặt điều kiện truy xuất nguồn gốc hợp pháp khi nhập khẩu. Chính vì vậy, khối doanh nghiệp tỏ ra hoan nghênh trồng rừng bền vững bởi có thể cùng lúc đạt hai mục đích: bảo vệ môi trường và tạo lợi thế cạnh tranh cho ngành chế biến gỗ.  Đến cuối năm 2017, Việt Nam có đến 732 doanh nghiệp có chứng nhận Chuỗi hành trình (CoC/FSC) về xuất xứ của gỗ, đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Trong đó, 49 doanh nghiệp được cấp chứng chỉ quản trị rừng bền vững (FSC/FM). 

Từng bước giải quyết thách thức

Đề án Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng của Chính phủ đặt mục tiêu sẽ duy trì toàn bộ diện tích rừng hiện đã được cấp chứng chỉ và từ nay đến 2020, sẽ cấp chứng chỉ rừng cho 300.000 ha rừng trồng sản xuất, phòng hộ của các tổ chức, hộ gia đình và ban quản lý rừng phòng hộ. Giai đoạn 2020 – 2030, con số này sẽ tăng lên 1.000.000 ha.

Theo Vụ Phát triển sản xuất Lâm nghiệp, thách thức hiện nay là nước ta đang thiếu chính sách đảm bảo quyền sử dụng đất không bị thu hồi hoặc chuyển quyền sử dụng đất trong thời gian tham gia quá trình Quản lý rừng bền vững.Việc làm thủ tục giao quyền sử dụng rừng và đất rừng cho các chủ rừng rất chậm, ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng. Thiếu các hướng dẫn kỹ thuật khai thác gỗ, lâm sản;tiêu thụ, sử dụng sản phẩm sau khai thác; chính sách về môi trường quy định cho chủ rừng thực hiện; ướng dẫn riêng cho rừng cộng đồng và các hộ/nhóm hộ nông dân với những hoạt động quản lý mang tính đặc thù…

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí cho các hoạt động duy trì chứng chỉ rừng cũng là một vấn đề khó khăn, nhất là các đơn vị mà diện tích có chứng chỉ là rừng tự nhiên không được khai thác. Trên thực tế, chủ rừng hầu như không thể tiếp cận vốn vay ưu đãi của các ngân hàng; chưa có ưu đãi thuế cho chủ rừng thực hiện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, như thuế đất lâm nghiệp và nhất là thuế tài nguyên. Năng lực quản lý và kỹ thuật còn thiếu và yếu; chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng…

Để giải quyết các vấn đề này, trọng tâm của đề án là xây dựng văn bản pháp luật, tài liệu hướng dẫn thực hiện quản lý rừng bền vững, xây dựng Bộ Tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững của Việt Nam. Một điểm thay đổi lớn trong Luật Lâm nghiệp mới đảm bảo thương mại sản phẩm gỗ có trách nhiệm và đẩy mạnh  quản lý rừng bền vững, sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2019. Thông tư hướng dẫn nội dung này hiện đang được trình Chính phủ phê duyệt.

Đề án cũng sẽ tổ chức tập huấn xây dựng phương án quản lý rừng bền vững cho các chủ rừng, có kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện. Bên cạnh đó, xây dựng mô hình quản lý rừng bền vững hướng tới cấp chứng chỉ rừng tại một số địa phương; đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực, tuyên truyền xung quanh nội dung này. Trong thời gian tới, các cơ quan chuyên môn cũng sẽ thiết lập hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia nhằm đảm bảo triển khai các hoạt động cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Việt Nam phù hợp với thông lệ và quy định của hệ thống chứng chỉ rừng quốc tế.