Mô hình nông nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu - Bài 1: Làng nông “thuận thiên”

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 08:08, 09/12/2018

(TN&MT) - Nông nghiệp là một trong những ngành chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu. Sự gia tăng thời tiết cực đoan, bão lũ, hạn không theo quy luật tạo ra những thách thức không nhỏ để duy trì năng suất. Một vài mô hình đã tìm ra cách ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu.
image001
Mô hình dùng phân bò bón cho cây ăn quả và trồng cỏ voi để nuôi bò tại thôn Mạ (Yên Bái). Ảnh: Việt Hồng

Ba thôn đại diện cho 3 miền Bắc, Trung, Nam đã được Chương trình nghiên cứu về Biến đổi khí hậu, Nông nghiệp, và An ninh lương thực (CCAFS) lựa chọn xây dựng làng nông nghiệp thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu. Chương trình do Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) chủ trì.

Đó là thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái; thôn Mỹ Lợi, xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh và ấp Trà Hất, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.

Sở dĩ gọi là “làng nông thuận thiên” là bởi các làng này được chương trình CCAFS hướng dẫn áp dụng các biện pháp nông nghiệp thông minh phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác và rủi ro thiên tai ở các vùng sinh thái nông nghiệp. Mô hình này nhằm đảm bảo an ninh lương thực, tăng cường khả năng thích ứng của người dân với biến đổi khí hậu, xây dựng khả năng phục hồi đối với ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết, đồng thời cải thiện thu nhập cho nông dân.

Từ năm 2014 đến nay, nhiều kỹ thuật đã được triển khai thành công và ban đầu có các hoạt động nhân rộng sang các địa bàn lân cận. Đó là các kỹ thuật nuôi giun quế, canh tác trên đất dốc chống xói mòn, rửa trôi (trồng xen cây lâm nghiệp tăng độ che phủ, trồng xen cây họ đậu cải thiện đất, trồng băng cỏ); đệm lót sinh học cho gia súc, gia cầm, áp dụng các giống cây trồng chống chịu với biến đổi khí hậu (chịu hạn, chịu mặn, chịu ngập), các biện pháp canh tác cải tiến (ICM, SRI, IPM); bảo vệ thực vật dựa vào sinh thái; các biện pháp thủy lợi tiết kiệm và góp phần giảm thải khí nhà kính như tưới ngập khô xen kẽ, rút nước giữa vụ; xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp (xử lý rơm rạ, biogas); dịch vụ tư vấn nông nghiệp dựa vào thông tin khí hậu và thời tiết.

Các kỹ thuật canh tác thích ứng đã giúp cho nhiều hộ nông dân trong các mô hình làng nông thuận thiên giảm được tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoạn, điển hình như việc áp dụng các giống lúa chịu hạn, mặn. Với cách tiếp cận làng nông thuận thiên, cả cộng đồng đều có những nỗ lực trong việc tăng cường khả năng thích ứng, một cách đồng bộ cho cả hệ thống sản xuất nông nghiệp, không chỉ tập trung vào số ít các loại cây trồng, vật nuôi.

Các biện pháp kỹ thuật nông nghiệp thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu được khối các cơ quan nghiên cứu và khuyến nông giới thiệu ở các làng nông thuận thiên đều giúp người nông dân cải thiện được sinh kế dựa vào nông nghiệp. Trước hết, việc đảm bảo năng suất và giảm nhẹ mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các hình thái thời tiết cực đoan tới cây trồng, vật nuôi giúp cho người nông dân đảm bảo được thu nhập. Thêm vào đó, những kỹ thuật như nông lâm kết hợp, trồng xen canh, tái sử dụng phế phụ phẩm lại có tác dụng đa dạng hóa các hoạt động sinh kế, từ đó đa dạng hóa nguồn cung cấp thực phẩm, năng lượng, và thu nhập.

Các kỹ thuật nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu luôn hướng tới việc giảm số lượng các loại nước thải và chất thải từ sản xuất ra môi trường. Trong các làng nông thuận thiên, người nông dân được hướng dẫn việc xử lý các loại phế phụ phẩm nông nghiệp, hạn chế việc đốt rác thải và rơm rạ. Các biện pháp giảm lượng phân bón và thuốc trừ sâu cho cây trồng cũng luôn được quan tâm và ưu tiên chuyển giao cho người nông dân.

Hiện tại, mô hình làng nông thuận thiên đã được nhân rộng ra các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (như Myanmar và Philippine). Tại Việt Nam, mô hình làng nông thuận thiên đã được giới thiệu đến nhiều cấp chính quyền, và các nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc xây dựng và nhân rộng mô hình làng sinh thái, làng nông nghiệp thích ứng với BĐKH đã được đưa vào chương trình nghị sự của ngành nông nghiệp, và được thể hiện ở nhiều kế hoạch hành động của ngành.

Gần đây, Chương trình Nông thôn mới đã triển khai những hoạt động đầu tiên nhằm tìm hiểu về mô hình làng nông thuận thiên và đề xuất các phương án nhân rộng mô hình cũng như xây dựng tiêu chí về làng nông thôn mới thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mô hình làng nông thuận thiên có tiềm năng nhân rộng rất lớn, lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch của nhà nước cũng như thông qua các dự án phát triển của các tổ chức quốc tế.

“Đây là bài tuyên truyền về Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam năm 2018”