Nguồn lực nào chống biến đổi khí hậu?

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 15:40, 21/11/2018

(TN&MT) - Theo bà Chu Thị Thanh Hương - Cục Biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu với nội dung chính của kế hoạch là giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; thực hiện các cam kết thích ứng phó với biến đổi khí hậu trong Báo cáo Dự kiến đóng góp quốc gia tự quyết định (INDC); chuẩn bị nguồn lực về con người, công nghệ và tài chính để thực hiện và góp phần chuyển đổi nền kinh tế theo hướng các con thấp, chống chịu cao. Đồng thời, Việt Nam cũng đang thiết lập và vận hành hệ thống công khai, minh bạch nhằm giám sát, đánh giá việc thực hiện thích ứng, giảm nhẹ và chuẩn bị nguồn lực; xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách tạo lập môi trường thuận lợi, tập trung nỗ lực quốc gia cho ứng phó biến đổi khí hậu.

Để thực hiện được thỏa thuận Paris, vai trò chính quyền địa phương ở đô thị cực kỳ quan trọng. Sự hợp tác chính quyền địa phương và Trung ương cần phối hợp chặt chẽ để đạt hiệu quả cao.
 

148aaa00ab429e58 jpg


Theo bà Chu Thị Thanh Hương, việc thực hiện trên các mục tiêu về biến đổi khí hậu dựa trên quan điểm: Thích ứng với biến đổi khí hậu là trọng tâm với nguồn lực chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, bao gồm cả hỗ trợ quốc tế. Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là quan trọng với nguồn lực chủ yếu từ doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội với vai trò xúc tác của nguồn lực Nhà nước.

Đóng góp về vấn đề trên, ông Michael Krakowski, GIZ (Đức) cho rằng, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh ưu tiên lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn lực không chỉ từ Chính phủ mà cần huy động các nguồn lực quốc tế.

Trong khi ngân sách Nhà nước hạn chế và ngày càng đưa nhiều tiêu chí để tăng hiệu quả đầu tư công, nguồn đầu tư quốc tế quan tâm hỗ trợ cho khu vực tư nhân - nơi chịu trách nhiệm cao ngày càng nhiều hơn là vấn đề phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước.