Bình Thuận: Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 14:41, 09/11/2018

(TN&MT) - Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) nên diễn biến thời tiết ở tỉnh Bình Thuận ngày càng trở nên bất thường và không theo quy luật. BĐKH đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế dẫn đến đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Xác định tầm quan trọng trong công tác chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với BĐKH; tỉnh Bình Thuận đã và đang xây dựng nhiều giải pháp nhằm hạn chế những thiệt hại do BĐKH gây ra.
SAT1
Tình trạng sạt lở bờ biển đang đe dọa nhấn chìm nhiều khu vực bờ biển ở Bình Thuận

Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, năm 2017,  bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) diễn ra trái quy luật, số lượng xuất hiện ở mức kỷ lục 16 cơn bão và 04 ATNĐ, cao nhất tính từ  năm 1964 đến nay. Trong mùa mưa bão năm 2017, tỉnh Bình Thuận đã phải chịu hậu quả nặng nề về người và tài sản do thiên tai gây ra: bão đã làm 06 người chết; hơn 280 căn nhà bị sập, tốc mái, ngập, hư hỏng, hơn 14.000 ha diện tích nông nghiệp bị thiệt hại. Tổng giá trị thiệt hại toàn tỉnh hơn 99 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, do tình hình thời tiết phức tạp, gió mạnh trên biển liên tục xảy ra, nên năm 2017  trên biển đã xảy ra 88 vụ tai nạn, sự cố, làm chết 36 người, mất tích 14 người, chìm 25 tàu cá. Riêng 8 tháng năm 2018 trên biển Bình Thuận cũng xảy ra 43 vụ tai nạn làm chết 21 người, chìm 9 tàu cá. Đặc biệt, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc mạnh, kết hợp triều cường dâng cao, đã gây tình trạng sạt lở bờ biển, nhiều khu vực ở huyện Tuy Phong, TX. La Gi và TP. Phan Thiết, đang bị nhấn chìm, nhiều hộ gia đình đang bị đe dọa trực tiếp do triều cường dâng cao.

Nhận rõ tác hại của BĐKH đối với đời sống, sản xuất của người dân; tỉnh Bình Thuận đã và đang quyết liệt triển khai các giải pháp công trình và phi công trình để sẵn sàng ứng phó với thiên tai. Theo đó, tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH, huy động mọi nguồn lực để tiến hành đồng thời các giải pháp thích ứng với tác động của BĐKH, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân, hướng đến phát triển bền vững; tập trung đầu tư xây dựng các công trình, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết và ứng phó với BĐKH…

SAT2
Nhà cửa bị hư hỏng nặng do thiên tai gây ra ở huyện Đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Thuận cũng chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung các phương án phòng chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn của các ngành, địa phương và phương án sơ tán nhân dân vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của thiên tai như ven sông, vùng bị sạt lở, vùng hạ du các hồ chứa; kiểm tra phương tiện ứng phó, công tác chuẩn bị, chủ động của địa phương theo phương châm “04 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ để có kế hoạch chủ động, đối phó với thiên tai.

UBND tỉnh Bình Thuận còn giao trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ban, ngành, địa phương. Theo đó, giao Sở GTVT rà soát các tuyến đường, cầu trọng điểm, tuyến vận tải Phan Thiết - Phú Quý, đảm bảo việc ứng phó khi tình hình mưa bão, lũ, sạt lở xảy ra. Sở NN&PTNT rà soát lại quy trình vận hành, điều tiết xả lũ gắn liền việc điều tiết nước sản xuất nông nghiệp; phối hợp các chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện thực hiện nghiêm túc việc vận hành ngay trước mùa lũ; tiếp tục triển khai nạo vét các cửa sông, luồng lạch cho các tàu thuyền ra vào hoạt động và tránh, trú bão…

Ngoài ra, giao Sở TN&MT chủ động triển khai các giải pháp phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả của bão, lũ; trong đó, cần chủ động phương án đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh và nhất là không được để bùng phát dịch bệnh do ô nhiễm môi trường sau bão, lũ; rà soát hệ thống công trình đê kè, các hồ chứa, công trình bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH. Đồng thời, có những tính toán lâu dài, căn cơ, những giải pháp công trình và phi công trình để đảm bảo tính bền vững, thích ứng với tình hình BĐKH đang ngày càng gia tăng.