TP.HCM: Điều chỉnh Quy hoạch chung cần xét đến yếu tố biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 17:50, 30/10/2018

(TN&MT) - Tại Hội thảo “Quy hoạch đô thị TP.HCM: Thực tiễn - Cơ hội đầu tư” do Trung tâm Tin tức 24 (Đài Truyền hình Việt Nam) và Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM tổ chức sáng 30/10, các ý kiến đều cho rằng, việc điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM cần phải xét đến các yếu tố địa chất thủy văn và biến đổi khí hậu.
anh 1
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại Hội thảo
 

Ông Lý Khánh Tâm Thảo, Quyền Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM cho biết: Thực tiễn phát triển đô thị trong những năm vừa qua đã cho thấy, TP.HCM đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức cả cũ và mới của quá trình phát triển đô thị. Bên cạnh những vấn đề mang tính chất thời sự như tăng dân số cơ học nhanh, ngập nước đô thị, kẹt xe, ô nhiễm môi trường,…; TP.HCM còn phải đối mặt với những vấn đề mới như sụt lún đô thị, nhu cầu năng lượng cho các lĩnh vực sản xuất mới, cơ sở hạ tầng cho nền công nghiệp số.

Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đang tiến hành chuẩn bị để rà soát và điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố. Theo đó, điều chỉnh Quy hoạch lần này trên quan điểm kế thừa bản quy hoạch hiện hành tiếp tục thực hiện; có tính đột phá để phát triển thành phố trong thời đại công nghiệp 4.0; kết nối, chia sẻ với các  tỉnh trong vùng TP.HCM về nhà ở, nguồn lao động; đồng thời, phù hợp với điều kiện địa chất thủy văn, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Điều chỉnh Quy hoạch chung cũng xem xét hướng tập trung phát triển của TP.HCM theo hướng Tây Bắc, bởi khu vực này có nền đất cao, phù hợp với phát triển đô thị; tiếp tục phát triển khung tâm hiện hữu, kết nối với khu đô thị mới Thủ Thiêm; tiếp tục hoàn thiện quy hoạch đô thị mới Thủ Thiêm trở thành trung tâm tài chính quốc tế; quy hoạch và triển khai Khu đô thị sáng tạo (quận 2, 9, Thủ Đức); phát triển đô thị cảng tại quận 9, Nhà Bè, quận 2; phát triển Khu đô thị du lịch Cần Giờ có diện tích khoảng 2.800 ha...

anh 2
Toàn cảnh Hội thảo “Quy hoạch đô thị TP.HCM: Thực tiễn - Cơ hội đầu tư”
 

Chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện quy hoạch đô thị, ông Michel Fanni, chuyên gia quy hoạch kiến trúc đến từ Pháp đã khuyến nghị TP.HCM trong việc điều chỉnh Quy hoạch chung sắp tới cần giải quyết được bài toán giao thông song hành với việc gia tăng mật độ dân số; đồng thời cần phải tìm các giải pháp “sống chung” với ngập lụt, chứ không phải “né” khi triển khai các dự án đô thị. Ngoài ra, TP.HCM cần có những điểm nhấn kiến trúc, khẳng định một hình ảnh một siêu đô thị của khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Ở lĩnh vực nguồn lực tài chính để triển khai quy hoạch, bà Nguyễn Thị Thu Hoa, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố giai đoạn 2016 -2020 cần 2,1 triệu tỷ đồng; đồng thời, các dự án thuộc 07 chương trình đột phá của thành phố cũng cần 816.577 tỷ đồng; trong khi đó nguồn vốn từ ngân sách chỉ chiếm khoảng 10%. Vì vậy, Thành phố cần có những chính sách để thu hút nguồn vốn đầu tư từ các kênh khác nhau, bởi nếu không nhiều công trình đã được đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ không được thực hiện.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch TP.HCM thừa nhận: Thời quan qua, công tác quy hoạch đô thị là một trong những điểm yếu, hạn chế trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Theo đó, từ việc xây dựng, quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch của TP.HCM thời gian qua chưa hiệu quả, không có tầm nhìn dài hạn, đặc biệt là những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu.

anh 3
TP.HCM sẽ tiếp tục hoàn thiện Khu đô thị mới Thủ Thiêm thành trung tâm tài chính của khu vực
 

Cũng theo ông Trần Vĩnh Tuyến, hiện tại, quy hoạch chỉ là mong muốn chủ quan của cơ quan nhà nước, đôi khi còn là trở thành “vấn nạn” đối với người dân bởi hàng loạt dự án “treo”. Vì vậy, phải thực hiện làm sao để quy hoạch không dừng lại ở văn bản quản lý nhà nước, mà phải trở thành khát vọng, cơ hội của nhà đầu tư, mong ước của người dân. Cho nên, việc thực hiện điều chỉnh Quy hoạch đô thị chung lần này phải là công trình thể hiện sức mạnh tập thể, không chỉ là công việc của cơ quan nhà nước mà còn là của doanh nghiệp, người dân. Phải làm sao để vấn đề quy hoạch không còn là hạn chế, yếu kém mà là điểm mạnh, điểm sáng, là công cụ để TP.HCM phát triển nhanh và bền vững.

Hiện tại, trong khi chờ điều chỉnh Quy hoạch tổng thể chung, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Vĩnh Tuyến đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các Sở ngành, UBND các quận - huyện cần tiếp tục thực hiện công khai các loại quy hoạch đến từng người dân, nhà đầu tư thông qua hình thức khác nhau. TP.HCM sẽ cân nhắc trong việc xây dựng những công trình cao tầng tại các khu vực trũng thấp như Nhà Bè, quận 7. Trong khi đó, nếu phát triển phía Tây Bắc có nền địa hình cao, ổn định, TP.HCM sẽ phải đầu tư hạ tầng giao thông để kết nối với khu vực trung tâm thành phố.

Cũng tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Vĩnh Tuyến cho biết, UBND Thành phố đang tập trung chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ Dự án xây dựng tuyến metro số 1 và Dự án giải quyết ngập do triều cường có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu để sớm đưa vào hoạt động.