Bình Định: Chủ động các phương án phòng chống thiên tai, bão lũ

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:23, 10/10/2018

(TN&MT) - Thời điểm này, mùa mưa lũ ở tỉnh Bình Định đã bắt đầu. Nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra, chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng tỉnh Bình Định đang tập trung triển khai các phương án phòng chống có hiệu quả.
DINH2
Đê sông Luật Lễ (thị trấn Diêu Trì, Tuy Phước) hoàn thành công tác thi công, góp phần đảm bảo an toàn cho người dân khi có mưa lũ xảy ra

Chủ động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó

Là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) tỉnh Bình Định, Sở NN&PTNT đã yêu cầu chính quyền các địa phương, các đơn vị chứng năng kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT - TKCN ngay từ đầu quý I/2018. Trên cơ sở đó, phân giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, ngành, địa phương xây dựng phương án chủ động ứng phó trước, trong và sau mùa mưa bão.

Hiện, tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tiến hành rà soát lại các nguồn lực thực hiện công tác ứng phó. UBND tỉnh Bình Định cũng đã phê duyệt phương án phòng chống lụt bão của 5 hồ chứa nước lớn của tỉnh là Định Bình, Thuận Ninh, Núi Một, Hội Sơn, Vạn Hội và đập dâng Văn Phong; phê duyệt phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du 4 công trình thủy điện là Vĩnh Sơn, Vĩnh Sơn 5, Trà Xom 1 và Nước Xáng; thu xếp được vốn để sửa chữa, nâng cấp 19/51 hồ hư hỏng nặng.

Hiện tại, toàn tỉnh Bình Định đã có 220 km đê kè được nâng cấp; trong năm 2018 tỉnh Bình Định đã triển khai khắc phục, gia cố 10 km đê, kè ở địa bàn các huyện Phù Mỹ, Tuy Phước, TX An Nhơn và TP Quy Nhơn, đến nay đã cơ bản hoàn thành. Phương án đảm bảo thông tin liên lạc tới chủ tàu, công tác neo đậu tàu thuyền cũng đã được hoàn thiện, duy trì chặt chẽ.

Đáng chú ý, UBND các huyện, thị xã, thành phố và chính quyền cấp xã đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT - TKCN, phân công nhiệm vụ thành viên; phê duyệt phương án PCTT - TKCN năm 2018. Sở Công Thương đã tổ chức dự trữ các mặt hàng thiết yếu như lương khô, gạo, mì tôm, xăng, dầu. Sở Y tế đã thực hiện dự trữ đủ cơ số thuốc chữa bệnh. UBND các cấp và các DN đã chuẩn bị xong một lượng hàng hóa cần thiết để cứu trợ nhân dân…

Đi đôi với công tác chuẩn bị ứng phó với thiên tai năm 2018, công tác khắc phục hậu quả thiệt hại do bão lũ năm 2017 để lại cũng được thực hiện rốt ráo. Cụ thể, Sở GTVT đã hoàn thành việc sửa chữa các đoạn tỉnh lộ 631, 632, 634, 636, 638. Sở NN&PTNT và các đơn vị có liên quan đã tiến hành khắc phục xong đập dâng Cây Gai (Phù Cát), kè hạ lưu hồ Định Bình (Vĩnh Thạnh), đập dâng sông Vố (An Lão), cống Kim Trì thuộc hệ thống Đê Đông (Tuy Phước); khắc phục xói lở 4 hồ chứa nước Hố Cùng (Phù Mỹ), Cự Lễ (Hoài Nhơn), Mỹ Đức và Kim Sơn (Hoài Ân),…

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã khắc phục xong các cơ sở khám chữa bệnh, sửa chữa 51 trường học hư hỏng; mua sắm bàn ghế học sinh, trang bị cho các trường. Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định cũng đã phê duyệt danh sách 219 hộ gia đình có nhà sập, hư hỏng với kinh phí hỗ trợ gần 5,2 tỉ đồng. Đến nay, các hộ dân được hỗ trợ đã xây cất lại nhà ở kiên cố,...

DINH1
Người dân thôn Chánh Hội, xã Cát Chánh (Phù Cát) chủ động xây dựng chuồng trại cách lũ, đưa gia súc lên cao để tránh lũ

Còn đó bất cập cần khắc phục

Công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai tuy được đơn vị chức năng và địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định quan tâm; song vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế cần khắc phục. Đó là việc nhiều địa phương, phụ huynh còn lơ là, chủ quan trong việc quản lý, đảm bảo an toàn cho trẻ em trong mùa mưa lũ. Thực tế, các đợt mưa lũ vừa qua, toàn tỉnh xảy ra nhiều vụ trẻ em bị đuối nước. Đây là bài học kinh nghiệm lớn mà các cơ quan chức năng, gia đình phải nhìn nhận, rút kinh nghiệm.

Thứ nữa, là công tác phối hợp giữa cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh với các đơn vị chức năng của tỉnh Bình Định và chính quyền địa phương thực hiện chưa chặt chẽ. Vụ 9 tàu hàng bị chìm trên vùng biển Quy Nhơn là bài học xương máu cho sự lơ là, chủ quan trong công tác phối hợp, ứng phó giữa các đơn vị chức năng với chính quyền địa phương khi có thiên tai xảy ra.

Ông Phan Xuân Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Bình Định, cũng lưu ý: Người dân cũng cần chủ động theo dõi, nắm bắt các thông tin về dự báo thời tiết do cơ quan chức năng cung cấp; dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men và các nhu yếu phẩm cần thiết. Bên cạnh đó, chủ đầu tư, chủ DN hoạt động ở các khu, cụm công nghiệp cần chủ động lên phương án ứng phó với thiên tai.

Đặc biệt, chú trọng khơi thông hệ thống tiêu thoát nước để tránh bị ngập úng gây thiệt hại. Thực tế cho thấy, vào các mùa mưa lũ xảy ra ở các năm trước đây, nhiều DN hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp ở Tuy Phước, TX An Nhơn, TP Quy Nhơn đã gánh chịu nhiều tổn thất lớn do lũ lụt gây ra. Nguyên nhân xuất phát từ sự chủ quan trong công tác phòng ngừa, lơ là trong việc khơi thông hệ thống thoát nước, tiêu thoát lũ tại các vùng nằm trong các khu, cụm công nghiệp.

Để thực hiện tốt công tác PCTT - TKCN trong thời gian tới, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cũng kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão tại cảng cá Tam Quan; mở rộng hệ thống mạng lưới quan trắc đo lưu lượng mưa tại các sông; quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống đê kè và hệ thống tiêu thoát lũ; hỗ trợ trang bị đầy đủ phương tiện cứu hộ cứu nạn cho nhân dân phòng khi mưa bão xảy ra…