Hội nghị COP 24: Kỳ vọng nâng cao mức cam kết giảm phát thải

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 12:53, 04/10/2018

(TN&MT) - Hội nghị lần thứ 24 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP 24 sẽ diễn ra các cuộc thảo luận về mức cam kết của mỗi quốc gia trong quá trình rà soát và cập nhật NDC, đồng thời, xây dựng cơ chế thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH. Việt Nam sẽ làm gì để nâng cao mức đóng góp của mình trong thời gian tới?

Những vấn đề này đã được đưa ra tại hội thảo quốc tế: Pre-COP24: Cơ hội và thách thức trong việc rà soát và thực hiện NDC do Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (Đức) phối hợp cùng Mạng lưới các tổ chức phi Chính phủ tại Việt Nam (CCWG) tổ chức ngày 3/10, tại Hà Nội.

anh 1
Ngài Wojciech Gerwe, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CH Ba Lan tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Tạo cơ chế triển khai Thỏa thuận Paris

Đại diện nước chủ nhà COP 24 năm nay, ông Wojciech Gerwe, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam cho biết, mục tiêu quan trọng của Hội nghị COP 24 là chuyển hóa các quy định, nội dung của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu thành cơ chế chung cho các quốc gia có thể triển khai. Sẽ có các cuộc đối thoại nhằm thu thập đóng góp, khuyến nghị, đưa ra chính sách hợp tác tốt hơn. Đây cũng là cơ hội tốt để lãnh đạo các nền kinh tế đưa ra hành động chung, thực hiện thành công Thỏa thuận Paris, đồng thời, khẳng định lại các cam kết giảm phát thải khí nhà kính (KNK) trong NDC.

anh 2
Ông Phậm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) phát biểu tại hội thảo

Là một thành viên của Liên minh châu Âu EU, Ba Lan đặt ra mục tiêu giảm 30% lượng phát thải tới 2030, đóng góp vào mục tiêu của EU khi tham gia Thỏa thuận Paris. Các giải pháp chính là đưa ra các đạo luật về giảm phát thải nhằm đảm bảo quản trị tốt hơn, lồng ghép các chính sách và hiệp định quốc tế trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế theo hướng các bon thấp. EU cũng mong muốn là cầu nối giữa các nước phát triển và đang phát triển.

Là nước chủ nhà COP 24, Ba Lan mong muốn cố gắng tìm hiểu nhu cầu của các quốc gia, đảm bảo các nhu cầu thiết yếu về an ninh lương thực, năng lượng, hỗ trợ chuyển đổi thành công nền kinh tế, tạo công ăn việc làm khu vực công, đảm bảo tính thích ứng, tính chống chịu cho cộng đồng… - ông Wojciech khẳng định.

Theo các nhà nghiên cứu, dù tất cả NDC của các quốc gia đã cam kết theo Thoả thuận Paris được thực hiện thì nhiệt độ bề mặt trái đất vẫn tăng cao hơn khoảng 2,5 - 3,5oC so với kỳ tiền công nghiệp, tức là chúng ta sẽ phải đối mặt với những hiện tượng thời tiết cực đoan, những thảm hoạ có liên quan đến khí hậu nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

“Để đạt được kết quả mong đợi tại COP 24 sắp tới, các nhà lãnh đạo cần phải nắm lấy thời cơ và tận dụng những thuận lợi hiện có. Thành công của COP 24 sẽ được đánh giá dựa trên các yếu tố: Liệu một bản quy tắc với tính ràng buộc cao có được phê chuẩn để triển khai Thỏa thuận Paris hay không? Liệu các nước có đặt ra các mục tiêu tham vọng hơn trong NDCs để giữ nhiệt độ toàn cầu dưới 2oC? Và làm sao để có được cơ chế tài chính khí hậu rõ ràng nhằm đảm bảo rằng sẽ có nhiều nguồn tài chính hơn dành cho nhóm người nghèo, những người phải chịu tác động nặng nề nhất từ khủng hoảng khí hậu? Nhìn chung, COP 24 vẫn có thể có được kết quả khả quan nếu đạt được tất cả các mục tiêu trên” - bà Yvonne Blos, Giám đốc Dự án Biến đổi Khí hậu, Viện Friedrich-Ebert-Stiftung tại Việt Nam chia sẻ.

anh 3
pTọa  đàm về nâng cao vai trò của các tổ chức phi chính phủ

Theo các đại diện quốc tế, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình triển khai các hành động vì khí hậu tham vọng hơn. Hội nghị các nước thành viên Công ước Khung về biến đổi khí hậu (COP) lần 24, Diễn đàn các nước dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu (CVF) tiếp theo và quá trình sửa đổi NDC đang diễn ra cho đến Quý 1 năm 2019 chính là những cơ hội quan trọng để nâng cao hơn vị thế hiện nay của Việt Nam.

Việt Nam có thể giảm 9% lượng phát thải

Quá trình rà soát và cập nhật NDC đang diễn ra là cơ hội hấp dẫn vốn đầu tư cho sự phát triển có mức phát thải thấp và sức chống chịu với biến đổi khí hậu tại Việt Nam, đồng thời, xây dựng được một khuôn khổ chính sách nhất quán.

Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT): Cuối tháng 8 năm 2018, Bộ TN&MT đã hoàn thành dự thảo đầu tiên của Báo cáo kỹ thuật NDC cập nhật. Theo đó, Việt Nam cam kết giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính (GHG) tới năm 2030 bằng nguồn lực trong nước so với kịch bản thông thường. Mức phát thải CO2 trong kịch bản thông thường được nâng từ 787,4 triệu tấn lên 888,8 triệu tấn và năm cơ sở cập nhật là năm 2014 thay vì năm 2010 như trong Báo cáo ban đầu.

anh 4
Quang cảnh hội thảo

Trong quá trình rà soát và cập nhật NDC, Bộ TN&MT đã và đang rất tích cực, chủ động tham vấn với các bên liên quan và tổ chức xã hội thông qua nhiều cuộc hội thảo tham vấn ở các cấp, quy mô và đối tượng khác nhau. Cách tiếp cận toàn diện này nhằm huy động vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan trong việc đề xuất mức đóng góp chung của quốc gia, làm thế nào hướng phát triển kinh tế xã hội theo hướng phát thải thấp, thích ứng với BĐKH.

Ông Tấn cho rằng, hiện nay còn quá sớm để đánh giá nỗ lực quốc gia là cao hay thấp dựa trên những con số cam kết. Ví dụ như Nga đưa ra cam kết giảm 30% phát thải đến 2030 trong NDC, nhưng thực tế mức giảm này không thay đổi nhiều so với cam kết trong Nghị định thư Kyoto trong giai đoạn trước. Việc so sánh NDC giữa các quốc gia rất phức tạp và đã được thảo luận tại các Hội nghị COP trong 3 năm qua. Các quốc g ia kỳ vọng sẽ đưa ra được quy định chung tại COP 24 năm nay và chính thức thảo luận vào năm 2023 khi đánh giá nõ lực toàn cầu.


Ước tính, BĐKH toàn cầu làm thiệt hại khoảng 1.600 tỷ USD mỗi năm và con số này có thể sẽ tăng lên hơn 4.000 tỷ USD vào năm 2030. Thỏa thuận Paris được thông qua tại Hội nghị COP 21 năm 2015 đã đặt ra mục tiêu tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH toàn cầu thông qua việc hạn chế tăng nhiệt độ bề mặt trái đất không quá 2oC và cố gắng ở mức thấp hơn 1,5oC so với giai đoạn tiền công nghiệp. Dự kiến, Hội nghị COP 24 sẽ diễn ra tại Ba Lan vào tháng 12/2018.